Quy trình xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước được thực hiện qua 3 cấp: Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng cấp Bộ, ngành, tỉnh và Hội đồng cấp Nhà nước. Hiện tại, các hồ sơ đang trong quá trình chuyển từ cấp Bộ lên cấp Nhà nước trước khi kết quả cuối cùng được công bố vào dịp 2/9.
Trong khi những thắc mắc, khiếu kiện về Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh ở lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh diễn ra khá ồn ào thì ở mảng văn học, không khí dường như yên ắng hơn. Một số nhà văn tỏ ra không quan tâm nhiều đến việc ai được đề cử; còn những người quan tâm lại không biết rõ người được đề cử là ai. Đặc biệt là ở Giải thưởng Nhà nước.
Cố nhà thơ Phạm Tiến Duật được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh. |
Tất nhiên, trong số 56 ứng viên của Giải thưởng Nhà nước, có những nhà văn, thực sự xứng đáng, thậm chí xứng đáng được tôn vinh sớm hơn, như Sơn Nam (đã mất), Sơn Tùng, Hữu Loan ( đã mất). Nhưng cũng có những cái tên khá lạ, cả với những người trong giới; những cái tên còn chưa tương xứng khi đặt cạnh các đề cử được đánh giá là xứng đáng như Cao Tiến Lê, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê... Một nữ nhà văn (giấu tên), chia sẻ, chị không biết rõ các tác giả như V.C., N.H.N. cũng như tác phẩm của họ... dù chị là người đọc khá nhiều. Về điều này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó chủ tịch Hội Nhà văn VN - nhận định, đó có thể là những người được đưa lên từ Hội đồng nghệ thuật cấp cơ sở và qua được sự xét duyệt của Hội đồng cấp tỉnh. Như vậy, việc họ và sáng tác của họ - dù không mấy quen thuộc với độc giả cả nước - vẫn lọt vào danh sách đề cử là điều dễ hiểu. Vấn đề là, sự tồn tại của những hội đồng thiếu thống nhất về quy mô và chất lượng ứng viên như thế liệu có đảm bảo được sự công bằng giữa các nhà văn?
Trong khi đó, danh sách ứng viên ở cả Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước lại thiếu vắng những tên tuổi thực sự làm rạng rỡ nền văn học Việt Nam đương đại, thiếu những tác phẩm "có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân" như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Quang Thân, Dạ Ngân... cùng những đứa con tinh thần của họ. Nguyên nhân đầu tiên là họ không vượt qua được cửa ải tiên quyết: làm hồ sơ đăng ký đề nghị tặng giải thưởng cho tác phẩm của chính mình. Theo quy định, "để được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, tác giả, đồng tác giả hoặc người đại diện hợp pháp của tác giả, đồng tác giả phải có hồ sơ đăng ký".
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: 'Tự làm đơn thì tôi cứ thấy như đang làm gì đó khuất tất". |
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gọi đó là "cái luật rất dở, với giới văn chương lại càng dở". Còn nhà văn Dạ Ngân nhận xét, đây là cách làm "phi văn hóa của một giải thưởng tôn vinh các giá trị văn hóa". Tác giả Tướng về hưu thành thật chia sẻ. "Văn mình vợ người, ai chẳng thấy văn mình là nhất. Tôi không khiêm tốn gì đâu, cũng tham lam lắm. Nhưng tự mình đề cử mình, tôi không làm được. Mà những nhà văn có chút gọi là khí tiết, họ đều không làm thế đâu". Thông thường, ở các giải thưởng văn học quốc tế, việc đề cử nhà văn thường do Nhà xuất bản, các Viện Hàn lâm... thực hiện chứ hiếm có chuyện nhà văn tự ứng cử. Thậm chí, việc tự ứng cử còn là điều không được phép ở những giải thưởng uy tín như Nobel. Hàng năm, Ủy ban Nobel gửi thư mời cho những cá nhân, tổ chức có đủ tư cách giới thiệu đề cử. Nhưng không một cá nhân nào được tự ứng cử. Nhà văn Dạ Ngân cho rằng, văn chương phải do người khác đánh giá, do người khác tôn vinh, còn việc mình tự đăng ký cũng ngang "xin giải thưởng".
Thừa nhận đây là một điều bất cập của giải thưởng, một thành viên Hội đồng cấp Bộ đưa ra cách lý giải riêng rằng, có thể những người đề ra quy định như vậy là họ muốn tránh tình trạng người được trao giải, vì lý do nào đó, lại từ chối giải thưởng.
Đối tượng xét duyệt của cả Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đều là "tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình" chứ không phải là các tác giả. Trong khi đó, Thông tư quy định chi tiết về tiêu chuẩn xét tặng lại ghi rõ: "Tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình đã được tặng giải thưởng Nhà nước thì không được kết hợp với tác phẩm, công trình khác để đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh". Điều này tiếp tục làm nảy sinh nghịch lý: chất lượng của các tác phẩm, công trình đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh thường không bằng các tác phẩm đề cử Giải thưởng Nhà nước, dù Giải thưởng Hồ Chí Minh ở tầm cao hơn Giải thưởng Nhà nước. Bởi thông thường, khi đã có lưng vốn kha khá, đủ tự tin để ứng cử, các nhà văn sẽ nhắm đến giải Nhà nước trước. Lúc đó, họ sẽ gom hết những "tác phẩm xuất sắc, có giá trị cao" của mình để đảm bảo trúng giải, chứ không ai có thể tính toán đến việc "để dành" cho Giải thưởng Hồ Chí Minh. Thêm vào đó, sau khi đã tạo được những thành quả đủ tiêu chuẩn cho giải Nhà nước, các tác giả ít nhất cũng đã qua 50-60 tuổi. Sau độ tuổi đó, ít người có thể tạo ra một thời kỳ đỉnh cao thứ hai của mình, để có được những "tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có giá trị rất cao" đáp ứng tiêu chuẩn của Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó là chưa kể, luật còn quy định, tác phẩm, công trình được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh phải công bố ít nhất 5 năm trước thời điểm nộp hồ sơ.
Chính vì vậy, nhìn vào đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay, có thể nhận ra những tác giả xứng đáng như Nguyên Ngọc, cố nhà thơ Phạm Tiến Duật... nhưng tác phẩm được xét lại không phải xuất sắc, so với sự nghiệp của họ cũng như so với các tác phẩm ở đề cử giải Nhà nước. Nhà văn Lê Lựu, người từng được vinh danh ở Giải thưởng Nhà nước, năm nay được đề cử giải Hồ Chí Minh với cuốn Sóng ở đáy sông. Ông nói: "Những cuốn khác đã tập trung cho giải đợt trước rồi. Không biết đợt này có trúng không. Nhưng với tôi được cũng tốt mà không được cũng không sao".
Cũng vì sự bất cập này mà có những tác giả đã bị trượt dù họ xứng đáng được vinh danh. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là một ví dụ. Ông được Hội đồng cơ sở đề nghị tặng Giải thưởng Nhà nước với tập "Cõi lặng". Nhưng tác phẩm không lọt vào danh sách của Hội đồng cấp Bộ. Có lẽ bởi "Cõi lặng" mới xuất bản năm 2007 - chưa đủ thời gian công bố ít nhất 5 năm như quy định. Còn gia tài văn chương trước đây của ông đã dồn hết cho Giải thưởng Nhà nước (năm 2000).
Lưu Hà