Tiến sĩ Lê Đăng Doanh |
Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, lâu nay tranh chấp kết nối viễn thông không còn là chuyện riêng của một doanh nghiệp nào. Viettel phải nhờ đến đơn vị chủ quản là Bộ Quốc phong báo cáo lên Chính phủ yêu cầu giải quyết, chứng tỏ sự việc đã trở thành vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp này. Nếu Chính phủ không đứng ra làm cơ quan trung gian hòa giải thì mọi việc khó có thể đi đến hồi kết, và sau này những chuyện tương tự như thế này sẽ thường xuyên xảy ra.
Theo ông Doanh, ở các nước, chuyện tranh chấp kết nối cũng thường xuyên xảy ra, dù họ có hẳn Ủy ban Cạnh tranh và Chống độc quyền. Bởi viễn thông là lĩnh vực khó, liên quan nhiều đến kỹ thuật, và khi một doanh nghiệp có thị phần khống chế khoảng 50% thì chỉ cần một thao tác nhỏ là có thể làm lũng đoạn thị trường và gây khó khăn cho doanh nghiệp khác.
Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập tổ chức giám sát kết nối độc lập với VNPT. Tuy nhiên theo ông Doanh, nếu chỉ thành lập một tổ chức giám sát không thì chưa đủ, mà trước mắt cần phải luật hóa thủ tục kết nối. Những quy định này phải cụ thể rõ ràng về mặt chế tài cũng như khoản bồi thường thiệt hại đối với đơn vị nào vi phạm. "Về lâu dài, Chính phủ nên xem xét đường trục là tài nguyên quốc gia chứ không phải của riêng doanh nghiệp nào", ông Doanh nhấn mạnh.
Theo ông, kết nối phải được xem là quyền của tất cả các doanh nghiệp viễn thông, và doanh nghiệp ra đời trước có nghĩa vụ với các doanh nghiệp ra đời sau, điều này không chỉ được quy định trong Luật viễn thông Quốc tế mà ngay cả trong Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông của VN cũng quy định ."Những doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế trên 30% không được lợi dụng ưu thế của mình để khống chế hoặc gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khác".
Để chấm dứt tình trạng này, ông Doanh nêu giải pháp, Chính phủ nên giao hẳn việc quản lý và khai thác đường trục cho một tổ chức thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông khai thác, chứ không thể để cho VNPT như hiện nay. Cơ quan này có nhiệm vụ tổ chức việc kết nối và thu phí kết nối từ các doanh nghiệp, kể cả VNPT. Khoản thu này sẽ được nộp và ngân sách Nhà nước, sau này sẽ trừ đi chi phí hợp lý. Có như vậy, VNPT mới thúc đẩy nhanh quá trình kết nối trực tiếp và không còn tình trạng "cấp quota nhỏ giọt nữa".
Bà Phạm Chi Lan, Ban nghiên cứu của Thủ tướng. |
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia tư vấn Ban nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng, nhu cầu thông tin liên lạc của người dân rất lớn, do vậy VNPT cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp mới, Nhà nước tạo điều kiện cho nhà cung cấp dịch vụ, có như thế, khách hàng mới có cơ hội tiếp cận nhanh với những phương tiện thông tin hiện đại.
Viễn thông là loại hình dịch vụ này liên quan đến quyền lợi của đông đảo người dân, do vậy, nếu doanh nghiệp không làm tốt nhiệm vụ của mình vô hình chung họ đang làm cho đất nước chậm phát triển, người dân mất đi cơ hội hưởng những dịch vụ giá rẻ có chất lượng.
"Theo tôi, việc có thêm nhiều nhà cung cấp dịch vụ thị trường mới, thị trường viễn thông VN mới phát triển được. Bởi một mình VNPT dù mạnh đến mấy, dù được Nhà nước đầu tư đến đâu cũng không thể phục vụ toàn bộ thị trường hơn 80 triệu dân", bà Lan nhấn mạnh.
Theo bà, hiện nay người tiêu dùng còn phàn nàn về nghẽn mạch, liên lạc khó khăn, giá cả cao. Do vậy, không chỉ VNPT và các doanh nghiệp khác cũng phải tính đến điều này. "Nếu VNPT nhìn nhận việc có thêm đối thủ cạnh tranh là ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, thì đó là cách tiếp cận rất ích kỷ, chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà không nghĩ đến lợi ích của toàn thị trường", bà Lan nhận xét..
Bà Lan cho rằng, trong quá trình hội nhập, VN sẽ dần mở cửa thị trường cho các đối tác nước ngoài vào. Khi ấy, nếu không chấp nhận cạnh tranh, doanh nghiệp trong nước sẽ có nguy cơ bị đè bẹp. Các doanh nghiệp còn độc quyền phải nhận thấy điều đó, chấp nhận có thêm người cạnh tranh trong nước càng sớm càng tốt để có thời gian tập dượt, sẵn sàng đối phó với cạnh tranh lớn hơn ở bên ngoài vào.
“Về phía Bộ Bưu chính Viễn thông, chấp nhận cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mà không tạo điều kiện cho họ hoạt động tốt là không sòng phẳng và thiếu trách nhiệm. Tôi cũng có tiếp xúc với Viettel một số lần, họ phàn nàn rất nhiều về vướng mắc. Việc gây cản trở lẫn nhau là điều không hay và cần phải có hình thức xử lý thích đáng, bởi khi ấy không chỉ doanh nghiệp chịu thiệt mà quyền lợi của đông đảo người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng", bà Lan nói thêm.
Theo bà, trong vụ việc này, Bộ Bưu chính Viễn thông hoàn toàn có thể giải quyết nếu họ thực hiện một cách công bằng, đầy đủ trách nhiệm theo Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông, song vấn đề lại vượt quá xa và sớm muộn Thủ tướng cũng phải đứng ra hoà giải. “Đã là cạnh tranh thì cần bình đẳng và phải chấp nhận quy luật cạnh tranh, dù là doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân đều phải tự giải quyết theo khuôn khổ pháp luật. Bộ chủ quản chỉ có vai trò xem xét, căn cứ vào luật để xác định ai đúng ai sai, biện pháp xử lý như thế nào. Tuy nhiên, giải quyết được gốc rễ vấn đề vẫn phải là doanh nghiệp”, bà Lan nhận xét.
Bà Lan cho rằng, tranh chấp kết nối không còn là chuyện của riêng doanh nghiệp mà đã trở thành vấn đề liên quan đến 2 Bộ, do vậy, sớm muộn gì Chính phủ cũng phải vào cuộc. “Tuy nhiên, đây cũng là việc các cơ quan khác cần rút kinh nghiệm, nếu vấn đề đến mức Bộ chủ quản không giải quyết được thì mới nên nhờ đến sự giúp đỡ của Thủ tướng”, bà Lan nói.
“Hiện nay chúng ta có Luật Cạnh tranh và Chính phủ sẽ sớm thành lập Hội đồng cạnh tranh theo quy định của Luật để sớm giải quyết những trường hợp tương tự có thể xảy ra. Chúng tôi mong Thủ tướng khi quyết định thành lập Hội đồng cạnh tranh cũng chỉ định những người có đủ bản lĩnh, đủ khả năng về chuyên môn để xử lý những vụ việc đó.
Đề cập đến hạ tầng cơ sở mạng viễn thông, bà Lan cho rằng, Nhà nước cần tách VNPT ra khỏi đường trục viễn thông càng sớm càng tốt. "Vấn đề này đã được đặt ra từ khá lâu, tôi không hiểu thủ tục vướng mắc đến đâu mà chưa được giải quyết", bà Lan thắc mắc. Theo bà, khi đường trục được tách ra riêng, chắc chắn bộ cũng như Nhà nước có điều kiện xem xét đầy đủ cho đường trục phát triển khả năng để đáp ứng tất cả các yêu cầu kết nối của các doanh nghiệp. "Phải làm sớm, chừng nào đường trục vẫn do một doanh nghiệp thống lĩnh thị trường quản lý, mọi việc sẽ càng rắc rối thêm", bà Lan nhấn mạnh.
Hiện nay, có 3 đơn vị đứng ra kinh doanh đường trục viễn thông là VNPT, Viettel và VP Telecom. Trong đó, VNPT quản lý đường Viba Bắc Nam với dung lượng 140Mb/s, đường cáp quang dọc quốc lộ 1A, đường cáp quang chạy theo đường dây 500 KV Bắc Nam và toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng là mạng cáp nội hạt với trên 6 triệu đường dây thuê bao cố định. Các doanh nghiệp khác là Viettel và VP Telecom có cũng có đường dây cáp quang chạy theo đường dây 500 KV Bắc Nam song vẫn phải thuê cơ sở hạ tầng quan trọng là mạng cáp quang nội hạt của VNPT. |
Hồng Anh