Trong thập kỷ qua, SoftBank cùng người sáng lập Masayoshi Son gây chú ý toàn cầu bởi các khoản đầu tư và các công ty khởi nghiệp. Về cơ bản, đế chế này đã góp phần định hình lại cách các startup huy động vốn. Nhưng giờ, tin xấu đang chồng chất.
Tuần này, kế hoạch bán Arm, một công ty thiết kế chip trị giá 40 tỷ USD của SoftBank cho Nvidia, đã thất bại vì những trở ngại về quy định. Cổ phiếu của một số công ty công nghệ lớn mà SoftBank sở hữu cổ phần, từ gã khổng lồ Internet Trung Quốc Alibaba đến dịch vụ giao đồ ăn DoorDash, sụt giảm trong bối cảnh các cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao đang bị bán tháo nhiều hơn. Và một trong những cấp phó chủ chốt của ông Son, Marcelo Claure, đã rời công ty vào tháng 1 sau một cuộc tranh chấp gay gắt về lương bổng.
Sự sụt giảm trong kinh doanh của SoftBank đã được phản ánh trong báo cáo tài chính mới nhất. Công ty cho biết thu nhập quý IV/2021 đã giảm 97% so với cùng kỳ 2020, dù họ đã cố gắng kiếm được 251 triệu USD lợi nhuận. Cổ phiếu của SoftBank vẫn tương đối ổn định trong tuần này nhưng giảm hơn một nửa trong 12 tháng qua, khi các nhà đầu tư ngày càng cảnh giác với các vụ đặt cược lớn của SoftBank mà vẫn chưa thành công.
Nhà sáng lập kiêm CEO Masayoshi Son thừa nhận những khó khăn của công ty, đặc biệt là việc nắm giữ cổ phiếu công nghệ. "Cơn bão vẫn chưa kết thúc mà còn mạnh lên", ông nói. Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan về triển vọng của công ty, nói rằng các khoản đầu tư mới nhất đã đưa SoftBank trở thành trung tâm của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo.
Pierre Ferragu, nhà phân tích tại New Street Research, cho biết những gì ở SoftBank phản ánh sự chuyển đổi của công ty này những năm qua, từ một nhà điều hành các công ty chủ yếu trong lĩnh vực viễn thông, thành một nhà đầu tư vào nơi gọi là "các công ty công nghệ đột phá".
Được thành lập năm 1981, SoftBank là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho các công ty khởi nghiệp ở Mỹ và trên toàn cầu. Sau khi trải qua giai đoạn bùng nổ và phá sản của bong bóng dot-com những năm 1990, Son rút lui gần như toàn bộ khỏi thị trường Mỹ, cho đến những năm 2010.
Năm 2012, ông tái xuất trên đất Mỹ bằng việc mua một căn nhà giá 117 triệu USD ở Woodside, California. Đây là một trong những ngôi nhà đắt nhất của Thung lũng Silicon. Sau đó, ông mua phần lớn cổ phần của nhà cung cấp dịch vụ di động Sprint vào năm 2013 với giá khoảng 22 tỷ USD và bổ nhiệm Marcelo Claure làm CEO. Sprint sau đó đã hợp nhất với T-Mobile.
Đến năm 2017, Son huy động được 100 tỷ USD cho Vision Fund, được xem là quỹ công nghệ lớn nhất thế giới từ trước đến nay. Với gần một nửa số tiền đến từ Saudi Arabia, SoftBank là nhà đầu tư lớn vào các công ty công nghệ tăng trưởng cao như Uber, DoorDash và WeWork.
Nhiều khoản đầu tư trong số đó đang gặp khó khăn khi các nhà đầu tư đang bán cổ phiếu công nghệ do nhiều lo ngại khác nhau. Cổ phiếu Coupang, được xem là "Amazon của Hàn Quốc", giảm gần 40%. Công ty gọi xe Trung Quốc Didi thậm chí còn giảm sâu hơn, với khoảng 70% - một phần là do nước này siết quản lý các gã khổng lồ công nghệ.
SoftBank sở hữu cổ phần trong cả hai công ty này, vốn đang giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ, dù Didi có kế hoạch chuyển niêm yết sang Hong Kong. Trong khi đó, DoorDash - một trong những cổ phiếu hiệu suất tốt nhất vào năm 2021 - đang giao dịch quanh giá IPO.
Giá cổ phiếu Alibaba, công ty mà Softbank nắm giữ cổ phần lớn nhất, đã giảm khoảng 60% so với mức cao nhất vào tháng 10/2020. SoftBank đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào WeWork. Công ty này đã lên sàn năm ngoái và hiện vốn hóa dưới 6 tỷ USD. Và sau khi thỏa thuận Arm với Nvidia sụp đổ, SoftBank có kế hoạch đưa công ty thiết kế chip này lên sàn.
SoftBank cũng chứng kiến sự bất ổn trong nội bộ. Trong những tháng gần đây, ít nhất bốn nhà đầu tư cấp cao đã rời đi hoặc thông báo kế hoạch này. Tháng trước, SoftBank cũng đã mất Marcelo Claure, một trong những giám đốc điều hành cấp cao nhất của tập đoàn, sau một cuộc chiến đòi thu nhập gay gắt.
Claure từng là phó tướng chủ chốt và thân tín của Son. Nhưng quan hệ giữa họ rạn nứt khi Claure tuyên bố Son từng hứa khoản thu nhập 2 tỷ USD cho công việc hiện tại và tương lai, nhưng không thực hiện.
Bản thân Claure cũng là một người chi tiêu bạo tay. Ông di chuyển bằng máy bay riêng và thường xuyên tăng chi phí hàng năm của công ty lên mức cao nhất. Trong vài năm qua, ông và gia đình đã di chuyển giữa Tokyo, Miami và New York - đôi khi theo yêu cầu của SoftBank nên công ty phải chi trả nhiều chi phí trong số đó. Kiểu chi tiêu đó không hợp với văn hóa doanh nghiệp bảo thủ của Nhật Bản nhưng Son vẫn chấp nhận.
Vào năm 2020, một trong những nữ nhân viên lâu năm của Claure đã phàn nàn về việc bị quấy rối nơi làm việc. Kết quả, người này rời đi với khoản thanh toán khoảng 30 triệu USD từ SoftBank.
Tuy nhiên, Son không phản hồi khi bị Claure thúc ép chi trả khoản thu nhập 2 tỷ USD. Claure nói rằng ông và Son đã ký hợp đồng về khoản tiền này. Hai người đã thương lượng việc chi trả trong nhiều tháng, với sự chứng kiến của các luật sư bên ngoài. Một phiên hòa giải trực tuyến đã diễn ra cuối tháng 12. Kết quả là Claure sẽ rời SoftBank với một gói 30-40 triệu USD tiền thôi việc và tiếp tục giữ cổ phần của mình tại quỹ Latin America của SoftBank.
Trong buổi thuyết trình với nhà đầu tư tuần này, Son cảm ơn Claure vì đã giải quyết những thách thức tại Sprint và WeWork, nhưng nói rằng mô hình kinh doanh của SoftBank đang phát triển nên việc chia tay với Claure là rất hợp lý.
Tuy nhiên, câu chuyện đằng sau có thể gay gắt hơn. Hồi tháng 12, Claure đã viết trên Twitter rằng: "Mọi người không rời bỏ công việc hoặc công ty mà rời bỏ ông chủ của họ. Hãy đối xử đúng với những người làm việc cho bạn".
Phiên An (theo NYT)