Chỉ trong 2 tháng gần đây, quốc gia có GDP bình quân cao nhất thế giới này đã đổ tiền vào hãng chế biến thịt gia cầm lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, đại gia dầu mỏ Nga - Rosneft và hãng khí đốt Anh - National Grid.
Những khoản đầu tư này đều được thực hiện thông qua Qatar Investment Authority (QIA) - quỹ đầu tư quốc gia của nước này. QIA thành lập năm 2005, có nhiệm vụ quản lý doanh thu từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Qatar hiện là nước xuất khẩu sản phẩm này lớn nhất thế giới.
Đến nay, quỹ này đã có 335 tỷ USD tài sản trên toàn cầu, giúp họ trở thành quỹ đầu tư quốc gia lớn thứ 14 thế giới, theo Sovereign Wealth Fund Institute.
Theo Bloomberg, dưới đây là những tài sản lớn nhất của QIA.
1. Qatar
Nếu đến thăm thủ đô Qatar, người ta sẽ dừng chân tại Sân bay Quốc tế Hamad đầu tiên. Sân bay này trị giá 17 tỷ USD, do hãng hàng không Qatar Airways quản lý. Ngoài sân bay Hamad, QIA còn là nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường chứng khoán Qatar, với cổ phần lớn trong Qatar National Bank và hãng viễn thông Ooredoo. Tổng tài sản QIA quản lý trong nước lên tới 100 tỷ USD.
2. Châu Âu
Châu Âu từ lâu đã là điểm đến ưa thích của người Qatar. Quốc gia này đã đổ hàng tỷ USD vào các hãng xe Đức, hãng thời trang Italy và các câu lạc bộ bóng đá.
Trong khủng hoảng tài chính 2008, QIA đã rót hàng tỷ USD vào Barclays và Credit Suisse. QIA cũng là cổ đông lớn nhất của hãng xe Đức Volkswagen, đồng thời đóng vai trò chủ chốt trong thương vụ Glencore thâu tóm Xstrata giá 29 tỷ USD năm 2012. Khi đó, QIA nắm hơn 10% cổ phần Xstrata.
Qatar Sports Investments còn mua câu lạc bộ Paris Saint-Germain năm 2011. Mayhoola for Investments - một công ty do các nhà đầu tư Qatar hỗ trợ - cũng đã mua hãng thời trang xa xỉ Italy - Valentino Fashion năm 2012.
3. Anh
Theo giới truyền thông, tính đến năm 2014, khoản đầu tư của QIA vào Anh có tổng trị giá ít nhất 35 tỷ USD. Tại London, người ta hoàn toàn có thể sống, làm việc, mua sắm và ở trong những bất động sản của người Qatar. Họ đã mua Canary Wharf của London, sau đó mở rộng sang mua cổ phần trong Savoy Hotel, Shard, Harrods, Olympic Village và HSBC Tower. Nhánh bất động sản của QIA - Qatari Diar đang lên kế hoạch xây nhiều căn nhà tại khu doanh trại cũ Chelsea Barracks.
4. Nga
Thương vụ với Rosneft và Glencore năm ngoái đã giúp QIA tăng danh mục tài sản tại Nga. Họ cũng mua gần 25% cổ phần sân bay St. Petersburg hồi tháng 7 năm ngoái và cam kết đổ 2 tỷ USD cho quỹ đầu tư quốc gia Nga - Russian Direct Investment Fund năm 2014.
5. Mỹ
QIA đang dần chuyển hướng đầu tư sang Mỹ. Họ đã mở văn phòng tại New York năm 2015 và lên kế hoạch rót 35 tỷ USD vào nước này cho đến năm 2020. BeIN Media Group của Qatar năm ngoái đã mua hãng phim Miramax (Mỹ).
QIA năm ngoái cũng là nhà đầu tư lớn thứ 4 vào mảng văn phòng tại Mỹ, theo Real Capital Analytics. Quỹ này đã mua 10% cổ phần Empire State Realty Trust, và hợp tác với Brookfield Property Partners trong một dự án bất động sản 8,6 tỷ USD tại New York.
6. Châu Á
Năm 2014, QIA cho biết đã lên kế hoạch đầu tư 20 tỷ USD vào châu Á trong 6 năm tới, đồng thời mở rộng văn phòng tại Bắc Kinh và New Delhi.
Hồi tháng 6 năm ngoái, QIA đã đồng ý mua Asia Square Tower của Singapore từ BlackRock với giá 2,5 tỷ USD. Đây là giao dịch về tòa nhà văn phòng lớn nhất tại Singapore. Quỹ này cũng nắm 20% cổ phần hãng điện của tỷ phú Hong Kong - Li Ka-shing. Họ cũng đang lên kế hoạch lập liên doanh đầu tư 10 tỷ USD với Citic Group (Trung Quốc) và cân nhắc đầu tư vào một quỹ công nghệ toàn cầu quy mô 100 tỷ USD do SoftBank và Saudi Arabia thành lập.
Hà Thu (theo Bloomberg)