Thứ hai, 16/12/2024
Thứ năm, 19/6/2014, 12:37 (GMT+7)

Qatar đã giàu lên như thế nào

Nhờ tài nguyên dầu khí, Qatar đã lập quỹ đầu tư quốc gia, xây trung tâm tài chính, tăng cường nghiên cứu và giáo dục để vực dậy nền kinh tế từng bị coi là nghèo đói.

Từ những năm 1900, gia tộc Al-Thani đã lãnh đạo Qatar khi nước này còn là thuộc địa của Anh.

Khi ấy, ngành công nghiệp chính của Qatar là mò ngọc trai và săn bắt cá. Đến thập niên 20, ngành ngọc trai sụp đổ, Qatar trở thành đất nước nghèo khổ, thiếu đói và bệnh tật.

Năm 1939, dầu mỏ được phát hiện tại thành phố Dukhan (Qatar), nhưng vẫn chưa là gì so với mỏ khí thiên nhiên được phát hiện tại đây hơn 30 năm sau đó.

Năm 1951, Qatar đã sản xuất 46.500 thùng dầu mỗi ngày, tương đương doanh thu 4,2 triệu USD. Việc phát hiện thêm các mỏ dầu ngoài khơi và sự vào của Shell đã nâng sản lượng khai thác lên 233.000 thùng mỗi ngày.

Doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ bắt đầu đổ vào túi gia tộc Al-Thani. Nước này dần thực hiện công cuộc hiện đại hóa. Các trường học, bệnh viện, nhà máy điện, nhà máy lọc nước biển và hệ thống điện thoại đầu tiên đã được mở cửa vào thập niên 50.

Qatar giành độc lập năm 1971. Cùng trong năm này, họ phát hiện mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới - South Pars/North Dome, thuộc hai nước Iran và Qatar. Tuy nhiên, mỏ North Dome (North Field) chưa được Qatar phát triển do còn tập trung sản xuất dầu mỏ. Nhờ mỏ này, Qatar hiện có trữ lượng khí tự nhiên lớn thứ 3 thế giới, sau Nga và Iran, với khoảng 896.000 tỷ m3.

Năm 1972, Quốc vương Qatar thời đó - Khalifa bin Hamad bắt đầu giảm trợ cấp cho hoàng tộc và tăng chi các chương trình xã hội như nhà ở, y tế, giáo dục và lương hưu.

Giá dầu lao dốc thập niên 80 khiến kinh tế Qatar rơi vào khủng hoảng. Năm 1989, họ bắt đầu khai thác North Field, nhưng quá trình khá chậm chạp.

Năm 1995, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Hamad bin Khalifa Al-Thani đảo chính, cướp ngôi từ tay Khalifa bin Hamad và lái Qatar theo hướng hoàn toàn mới.

Một trong những động thái đầu tiên của ông là tăng tốc khai thác mỏ khí North Dome. Qatar lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu khí tự nhiên.

Để phù hợp với nhu cầu và sản xuất ngày càng tăng, Qatar bắt đầu xây các nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Trong 15 năm qua, 14 nhà máy đã được xây dựng, thông qua hợp tác cùng công ty nước ngoài.

Cuối thập niên 90, Qatar bắt đầu ký thỏa thuận cùng khai thác với nhiều hãng dầu mỏ thế giới.

Năm 1997, Qatar bắt đầu cung cấp lượng lớn khí đốt tự nhiên cho Tây Ban Nha và Nhật Bản.

Nhờ sản lượng khai thác ổn định, GDP nước này dần tăng tốc trong 15 năm qua.

Phòng trường hợp cạn kiệt tài nguyên, Qatar cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế. Năm 1998, nước này xây dựng khu tổ hợp giáo dục Education City, đặt được chi nhánh của 6 trường đại học Mỹ và hai trường châu Âu, cũng như nhiều trung tâm nghiên cứu và tư vấn chính sách.

Năm 2003, Qatar thành lập quỹ đầu tư quốc gia - Qatar Investment Authority, với tài sản lên tới 170 tỷ USD, nhờ doanh thu từ dầu khí. QIA đầu tư vào Barclays Bank, Credit Suisse, Harrods, Porsche, Volkswagen và cả câu lạc bộ bóng đá Pháp - Paris Saint-Germain.

Qatar hiện là một trong những quốc gia có nhiều bất động sản tại London nhất, thông qua QIA. Qatar còn sở hữu The Shard – tòa nhà chọc trời cao nhất châu Âu, cũng như phần lớn quận tài chính Canary Wharf tại London (Anh).

Qatar Financial Centre (QFC) được xây dựng năm 2005 để phát triển ngành công nghiệp tài chính của nước này. Họ tin rằng QFC có thể trở thành trung tâm dịch vụ tài chính tại Vùng Vịnh nhờ sự ổn định và nền tảng vốn dồi dào.

Năm 2006, Qatar vượt Indonesia thành nước xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới. Doanh thu từ dầu khí đóng góp tới 60% GDP nước này.

Tháng 12/2010, Qatar được chọn là nơi tổ chức World Cup 2022. Nước này cam kết xây 12 sân vận động hoành tráng với công nghệ làm mát hiện đại để các cầu thủ không cảm nhận được cái nóng sa mạc. Qatar hiện cũng là nơi chuyên tổ chức các sự kiện thể thao trong khu vực.

Khung cảnh Qatar đã thay đổi rất mạnh những năm qua. Đây là Doha (thủ đô Qatar) năm 1977.

Còn đây là Qatar của hiện tại. Từ năm 2000, nước này đã xây 58 tòa nhà chọc trời cùng nhiều viện bảo tàng, sân vận động và các công trình kiến trúc khổng lồ.

Trên thế giới, rất nhiều quốc gia có tài nguyên dầu khí, nhưng chỉ vài nước có thể tận dụng triệt để như Qatar. Thu nhập bình quân của người dân quốc đảo này hiện là 98.800 USD mỗi năm. Qatar đủ tiền để xây cả một thành phố lớn trong sa mạc và giành quyền tổ chức World Cup 2022, dù gần đây họ bị nghi ngờ đã hối lộ hàng tỷ USD để có suất này.

Hà Thu