Ông cha ta có câu "Sông có cội, nước có nguồn" để nói về sự gắn kết tình cảm của những người trong cùng một gia đình, dòng tộc hay rộng hơn là đất nước. Nhưng ở nghĩa đen của câu này cũng chỉ rõ mọi dòng sông, nguồn nước đều có điểm xuất phát của nó.
Tôi sinh ra và lớn lên bên một dòng sông nhỏ ở Hà Nội nhưng tôi vẫn luôn thắc mắc là nguồn nước thực sự của nó đến từ đâu? Khi còn nhỏ tôi thấy chúng đều có nguồn từ một cái hồ nước nào đó hay từ một cái cống chảy ra. Sau này, khi tìm hiểu về lịch sử của tên gọi Hà Nội tôi cũng hiểu rõ hơn là tất cả những dòng sông trong thành phố trước đây đều bắt nguồn từ sông Hồng và chỉ có sông Tích bắt nguồn từ dãy núi Ba Vì.
Một số con sông hiện nay còn lại thực ra là sông đào như sông Kim Ngưu (Phần còn lại của sông Kim Ngưu ngày nay là sông đào còn phần sông cũ giờ không còn), sông Bắc Hưng Hải (phục vụ tưới tiêu cho huyện Gia Lâm).
Giờ đây khi nhìn lại vào những dòng sông quanh Hà Nội chỉ còn lại như những cống nước thải của thành phố tôi thật sự buồn. Nhiều đề án, ý kiến được nêu ra mà dòng sông vẫn chưa bao giờ tìm được về với đúng nguồn cội của nó.
Đọc bài phỏng vấn Cục trưởng quản lý tài nguyên nước, tôi như cởi bỏ được bao suy nghĩ bấy lâu về những dòng sông ở Hà Nội. Để thật sự khôi phục được sự sống cho những dòng sông ở Hà Nội tôi xin đóng góp một số ý kiến:
Thứ nhất, về sông Tô Lịch, nên nghiên cứu kỹ phương án lấy nước từ sông Hồng qua hệ thống ống ngầm qua khu vực Tứ Liên đổ vào Hồ Tây (phương án trước đây của Công ty thoát nước Hà Nội). Ở phương án này điểm yếu là cao độ mực nước của sông Hồng hiện nay khá thấp (kể cả trong mùa lũ) không đảm bảo dòng chảy tự nhiên.
Vị trí lấy nước nằm bên bờ bồi của sông khiến lượng phù sa bồi lắng nhiều. Để khắc phục điểm yếu này có thể nghiên cứu sử dụng cửa lấy nước giếng đứng ở phía bờ đối diện. Ngoài ra có thể bổ cập thêm từ sông Nhuệ qua hệ thống công nước ngầm dọc tuyến đường Hoàng Quốc Việt.
Thứ hai, về Sông Lừ, Sông Sét và Sông Kim Ngưu. Cả ba con sông này nguyên thủy đều có gắn kết với sông Tô Lịch. Nhưng phương án lấy nước từ sông Tô Lịch sẽ khó khả thi do dòng chảy và mực nước sông Tô Lịch sẽ rất nhỏ nếu tách khỏi hệ thống thoát nước của thành phố.
Do đó tôi đề xuất phương án lấy nước từ sông Hồng qua ống ngầm. Vị trí lấy nước có thể nghiên cứu tại khu vực phía trước Cảng Hà Nội. Ống ngầm có thể nối với hệ thống cống thoát nước hiện tại dọc theo tuyến đường vành đai 1.
Thứ ba, về sông Nhuệ, sông Tích và sông Bắc Hưng Hải. Với sông Nhuệ và Bắc Hưng Hải vị trí lấy nước hiện nay đều bắt nguồn từ sông Hồng. Sự ô nhiễm của sông do khi đi qua địa phận thành phố bị hệ thống nước thải chảy vào làm phá hủy hệ vi sinh của sông. Nên việc tách hệ thống nước thải thành phố chảy trực tiếp vào sông là quan trọng nhất.
Với Sông Tích ngoài việc bổ cập nguồn nước từ Sông Đà cũng cần tính toán kỹ nguồn nước thải của các khu vực dân cư và cụm công nghiệp dọc sông đặc biệt đoạn qua quận Hà Đông.
Thứ tư, về sông Hồng, sông Đà. Đây là những dòng sông khởi nguồn của các nhánh sông chảy qua Hà Nội. Phải nghiên cứu tính toán dòng chảy tối thiểu dựa vào những đập thủy điện hiện tại. Hàng năm phải có ít nhất một vài thời điểm trong năm vào mùa lũ tiến hành xả tràn để tạo những trận lũ giả.
Sông
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.