Chiều giữa tháng 12, bà Kim Thanh, ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, chạy xe máy men theo bờ đê ven sông Sài Gòn đến cánh đồng cách nhà chừng một km. Con đường đất hai bên cỏ dại phủ kín, lối mòn ở giữa rộng hơn 2 m trải đá dăm, nhấp nhô ổ gà, khiến người phụ nữ không thể chạy nhanh. Nhiều khoảng đất ở chân đê phía bờ sông bị nước khoét sâu, một số vị trí nguy cơ sạt lở được cắm biển cảnh báo.
"Sáu năm trước khi tuyến đê được xây dựng, người dân nơi đây hưởng lợi rất nhiều bởi không còn cảnh ngập khi mưa lớn, triều cường. Đất đai dễ trồng trọt hơn", bà Thanh nói và cho biết tình trạng xuống cấp, sụt lún ở tuyến đê xuất hiện vài năm gần đây, làm nhiều người bất an bởi nước sông dễ tràn qua ảnh hưởng cuộc sống, hư hại cây trồng.
Đoạn đê ở khu vực bà Thanh thuộc tuyến đê bao dài gần 27 km của dự án thuỷ lợi bờ hữu sông Sài Gòn, chạy dọc qua 4 quận huyện phía bắc TP HCM, gồm: 12, Gò Vấp, Hóc Môn và Củ Chi. Ngoài tuyến đê, công trình còn xây dựng bờ bao các rạch nội đồng tổng chiều dài hơn 78 km và 3 cây cầu, 345 cống các loại...
Công trình này trước đây thuộc dự án chống lũ hạ du sông Sài Gòn và Bình Dương, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt năm 2006. Phía TP HCM, công trình tổng mức đầu tư hơn 862 tỷ đồng, tách thành hai tiểu dự án gồm Nam Rạch Tra và Bắc Rạch Tra, do Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM (nay là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị) làm chủ đầu tư.
Năm 2007, dự án Nam Rạch Tra đi qua huyện Hóc Môn, quận 12 và Gò Vấp khởi công, tổng vốn hơn 490 tỷ đồng. Công trình làm đê bao ven sông Sài Gòn, đoạn từ sông Vàm Thuật đến Rạch Tra dài hơn 17 km, cao 2,2 m. Dự án cũng làm bờ bao các rạch nội đồng dài gần 46 km, cao 2 m và hơn 200 cống. Hai năm sau, dự án Bắc Rạch Tra khởi công, vốn đầu tư hơn 370 tỷ đồng. Tuyến đê bao thuộc dự án này xây ở địa bàn huyện Củ Chi, dài 9,5 km, cao 2,2 m, cùng bờ bao rạch nội đồng dài 33 km, cao 2 m.
Hai tiểu dự án trên cơ bản hoàn thành năm 2015, giúp ngăn triều, chống lũ, bảo vệ khu vực hơn 6.600 ha cùng hàng chục nghìn hộ dân xung quanh. Tuy nhiên, do dự án sau nhiều năm chưa bàn giao dẫn đến không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, gây ra tình trạng xuống cấp. Trong đó, Hóc Môn có nhiều đoạn bị sạt lở, hư hỏng nặng, tập trung nhiều ở khu vực xã Nhị Bình.
Ông Đặng Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Nhị Bình, nói những đợt triều cường xảy ra từ đầu năm nay, nước tràn qua khoảng 6-7 điểm trên đoạn đê bao qua địa bàn. Mỗi lần nước ngập, địa phương huy động lực lượng tại chỗ gia cố tạm để bảo vệ hoa màu, an toàn cho người dân. Xã nhiều lần kiến nghị dự án cần sớm bàn giao cho đơn vị chuyên môn quản lý, để khắc phục hư hỏng, giúp công trình khai thác hiệu quả.
Trong khi theo một cán bộ thuộc UBND huyện Củ Chi, thường các dự án khi hoàn thành sẽ sớm được nghiệm thu đưa vào sử dụng. "Khoảng một năm sau khi hết thời gian bảo hành, công trình sẽ được bàn giao để bên tiếp nhận lên kế hoạch quản lý, duy tu...", cán bộ này nói và cho biết tình trạng lún sụt ở nhiều đoạn hiện khoảng nửa mét so với thiết kế ban đầu, tức triều cường khi đạt đỉnh chừng 1,6 m, nước có thể tràn bờ.
Lý giải tình trạng xuống cấp tại dự án thuỷ lợi trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết do công trình xây bằng đất đắp, một số gói thầu hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2012 và hư hỏng theo thời gian. Những năm gần đây đỉnh triều tại TP HCM tăng cao cũng gây sạt lở một số vị trí. Đây là những vướng mắc trong bàn giao công trình, bởi nhiều vị trí xuống cấp, độ cao không như ban đầu nên các thủ tục chuyển qua đơn vị tiếp nhận chưa thực hiện được.
Trước đó, chủ đầu tư kiến nghị bàn giao công trình theo hiện trạng, nhưng việc này chưa có cơ sở pháp lý và chưa được hướng dẫn cụ thể các bước thủ tục. Hiện, các bên liên quan phối hợp để kiểm tra, đề xuất UBND thành phố phương án giao đơn vị tiếp nhận quản lý, vận hành, duy tu phù hợp.
Tại kỳ họp thứ tư HĐND thành phố hôm 8/12, những vướng mắc về dự án thuỷ lợi nêu trên được đại biểu kiến nghị lãnh đạo thành phố đẩy nhanh giải quyết. Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói sẽ kiểm tra lại tiến độ và chỉ đạo các đơn vị sớm hoàn thiện để bàn giao, khai thác hiệu quả công trình.
Hiện, để tránh nguy cơ bờ bao bị vỡ khi nước dâng cao tràn bờ gây ngập, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đơn vị trực thuộc phối hợp quận huyện rà soát, kiểm tra những vị trí bờ bao, cống, cửa ngăn triều yếu và chuẩn bị vật tư chủ động xử lý...
Gia Minh