Dự án thu hồi đất, bồi thường và tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua năm 2017, giao UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư với kinh phí gần 23.000 tỷ đồng. Trong đó hạng mục đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân là 306 tỷ đồng. Đây là đề án được khảo sát, triển khai cùng thời điểm kiểm kê, đo đạc để giải phóng mặt bằng nhằm tạo sinh kế ổn định cho người dân nhường đất xây sân bay.
Có hơn 5.000 hộ với tổng số hơn 15.500 nhân khẩu trong vùng dự án bị ảnh hưởng. Trong số này, khoảng 9.700 người ở độ tuổi lao động (15-60 tuổi). Đến nay, UBND huyện Long Thành đã bố trí tái định cư cho 3.985 hộ, số còn lại đang được xét duyệt cấp đất tái định cư; có hơn 1.500 căn nhà đã và đang xây dựng tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, cách nơi ở cũ chừng 7 km.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, sau khi dự án được Chính phủ phê duyệt, đơn vị cùng huyện Long Thành đã phát phiếu điều tra và khảo sát, đồng thời tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại nơi ở của người dân. Tuy vậy nhu cầu thực sự đăng ký đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm của người dân nơi đây rất ít.
Năm 2022, đề án có 121 người dân đăng ký học nghề lái xe (bằng B2). Học phí một khoá học từ 11 đến 15 triệu đồng, song trong đề án quy định chỉ hỗ trợ ba triệu đồng trên một người. Do số tiền chêch lệch bỏ thêm nhiều, người dân không đăng ký học.
Ông Nguyễn Hữu Khánh Linh, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động Thương binh và xã hội Đồng Nai, cho biết nhu cầu đào tạo nghề của người dân ít do đặc thù huyện Long Thành có nhiều khu công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển đã tạo điều kiện việc làm cho người dân trong vùng dự án.
Trong đó, đối diện khu tái định cư sân bay Long Thành là các Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, Long Đức, Long Thành, Nhơn Trạch... Mỗi năm, nơi đây cần hàng chục nghìn lao động phổ thông và chất lượng cao nên người trong độ tuổi lao động cũng dễ xin việc. Các doanh nghiệp tuyển lao động và đào tạo kỹ năng theo vị trí việc làm, không cần thực hiện theo chính sách của đề án.
Theo ông Linh, đề án đào tạo nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án sân bay Long Thành chỉ là hỗ trợ thêm. Ngoài ra, theo kết luận của cơ quan kiểm toán, việc thực hiện đề án trùng với kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề hai lần cho người làm nông nghiệp, cũng khiến quá trình thực hiện phải rà soát kỹ người thụ hưởng, mất nhiều thời gian dẫn đến không thể giải ngân được.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, cho biết qua khảo sát hiện người dân không có nhu cầu đào tạo nghề cũng như xin việc nên đề án khó thực hiện được. Sở đang xin ý kiến để trả lại kinh phí đề án, phối hợp doanh nghiệp ở tỉnh tổ chức tuyển dụng, tạo việc làm cho người dân khu tái định cư.
Tại cuộc đối thoại với các hộ dân có đất bị thu hồi thực hiện dự án mở hai đường kết nối sân bay Long Thành diễn ra cuối tuần qua, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu sở ngành và địa phương phải hỗ trợ tốt nhất người dân bị giải tỏa, tạo điều kiện sống và việc làm ở nơi mới tốt hơn chỗ cũ.
Khởi công đầu năm 2021, sân bay Long Thành tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng, chia làm ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 xây đường cất hạ cánh, nhà ga cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm, dự kiến về đích năm 2025. Sau đó, sân bay sẽ được thực hiện giai đoạn 2, 3 để nâng công suất khai thác lần lượt lên 50 triệu và 100 triệu khách mỗi năm.
Phước Tuấn