Đồ chơi tốt nhất thường đơn giản nhất, chẳng hạn những khối gỗ xếp hình vì chúng cho phép trẻ được sáng tạo.
Tỉnh táo trước đồ chơi được cho là mang tính giáo dục
Nhiều phụ huynh tin rằng để con mình có chỗ đứng vững vàng trong tương lai, cần cho bé học càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt. Họ cố gắng đầu tư tiền bạc cho các loại đồ chơi tinh vi, được quảng cáo là mang tính giáo dục cao. Những đồ chơi này có thể thực hiện nhiều chức năng và được giới thiệu là giúp kích thích sự phát triển não bộ hay giúp trẻ biết đọc, biết làm toán sớm. Tuy nhiên, rất ít trong số những quảng cáo loại này được kiểm chứng.
Theo các chuyên gia, đồ chơi mang tính giáo dục cao không tinh vi phức tạp mà đơn giản, giúp kích thích óc sáng tạo của trẻ. Đồ chơi càng biết làm nhiều thứ thì trẻ càng có ít việc để làm. Nếu bé có thể ngồi yên ngắm đồ chơi “biểu diễn” thì trò chơi này giống một màn giải trí nhiều hơn là hoạt động mang tính giáo dục.
Trên thực tế những vật dụng gia đình thông thường (bát nhựa để chơi trò xúc vào đổ ra, những chiếc gối bông để xây hang động hay áo quần cũ để chơi trò hóa trang) thường là những thiết bị học tập tốt nhất. Trẻ sẽ học được nhiều hơn khi phải động não và vận động chân tay để giải quyết tình huống, phát triển các ý tưởng của chính mình. Hữu ích nhất là các loại đồ chơi cần tới sự tập trung tối đa của trẻ. Trẻ càng phải sử dụng não bộ và cơ thể nhiều bao nhiêu thì càng học hỏi được nhiều bấy nhiêu.
Chỉ cho bé chơi một vài thứ đồ chơi mỗi lần
Nóng lòng mong muốn con học hỏi nhiều điều, phụ huynh thường cố gắng mua cho con thật nhiều đồ chơi. Trẻ có quá nhiều đồ chơi từ quá sớm sẽ gặp khó khăn trong việc tập trung vào một loại đồ chơi. Cha mẹ nên luân phiên thay thế đồ chơi trong hộp đồ hay phòng của bé, cất những thứ đồ bé đã chán và cho bé chơi lại sau vài tuần. Nếu vài loại đồ chơi có chức năng tương tự thì hãy để bé khám phá trọn vẹn một loại trước khi làm quen với đồ chơi mới.
Một loại đồ chơi có thể được sử dụng ở nhiều độ tuổi khác nhau, vì vậy cha mẹ không cần vội vàng loại bỏ đồ chơi cũ và mua cái mới thay thế. Một số đồ chơi cơ bản như các khối xếp hình bằng gỗ hay nhựa có thể sử dụng lâu dài.
Khi còn nhỏ, bé có thể học cách giữ khối xếp hình trong lòng bàn tay, điều này có ích cho sự phát triển một số cơ và sự phối hợp các cơ. Lớn hơn, các khối xếp hình này giúp bé phát triển các kỹ năng khác như nhận thức về tính cố định của đồ vật (khái niệm một vật vẫn ở đó kể cả khi bé không nhìn thấy nó), mối tương quan không gian (trên dưới, trong ngoài), phát triển ngôn ngữ, trí tưởng tượng, kỹ năng lập kế hoạch, nguyên tắc xây dựng… Cùng chơi xếp hình với bạn bè hay anh chị em cũng giúp trẻ học cách kiềm chế sự nóng giận và biết hợp tác với người khác.
Hạn chế đồ chơi điện tử hay trò chơi video
Trong thời đại điện tử, việc cấm trẻ sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh hay các thiết bị điện tử khác là điều không dễ dàng với đa số phụ huynh. Nhưng đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, cha mẹ cần đặt giới hạn rõ ràng. Các nghiên cứu cho thấy lạm dụng đồ chơi điện tử có thể làm giảm thính lực của trẻ (đồ chơi gây tiếng ồn quá lớn), dẫn tới béo phì (trẻ thụ động khi chơi) và chậm phát triển ngôn ngữ cũng như chậm phát triển nói chung.
Một nghiên cứu mới đây của Mỹ cho thấy, các đồ chơi không đòi hòi trẻ làm bất kỳ điều gì ngoài việc nhìn ngắm sẽ khiến bé quen với cách học thụ động, giảm khả năng suy nghĩ độc lập.
Đồ chơi điện tử cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng tập trung của trẻ. Những đồ chơi có đèn lóe sáng, liên tục đổi màu hoặc chuyển động không ngừng rất bất lợi cho trẻ vì không đòi hỏi bé phải chú ý lâu vào một chi tiết nào. Việc sử dụng thường xuyên các loại đồ chơi này sẽ khiến trẻ khó tập trung vào những thứ như sách vở hay đồ chơi không chuyển động.
Các trò chơi video hay trò chơi trên điện thoại di động khiến não của bé quen với việc chỉ đáp ứng với những kích thích mạnh. Kết quả là bé không thể tập trung chú ý vào cuộc sống bình thường, nơi mức độ tương tác thấp hơn nhiều so với trong các trò chơi điện tử. Các trò chơi này cũng gây căng thẳng cho mắt và tay. Cơ thể trẻ đang trong giai đoạn phát triển mạnh, việc sử dụng quá thái bất kỳ bộ phận nào cũng gây ảnh hưởng tiêu cực.
Theo khuyến cáo của Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ, trẻ dưới 2 tuổi không nên xem TV hay chơi trò chơi điện tử, trẻ trên 2 tuổi cần hạn chế thời gian ngồi trước màn hình ở mức 1-2 giờ mỗi ngày.
Bác sĩ Trần Thu Thủy