Theo tôi nên phân bổ cập dạy luật giao thông cho các em học sinh từ lớp 1 cho đến tối đa là lớp 9, tùy theo độ tuổi mà chia chương trình dạy học thích hợp. Đến lớp 9, học sinh cần phải nắm chắc toàn bộ luật giao thông đường bộ.
Nếu đợi đến tuổi trung học phổ thông mới dạy là đã muộn. Một người trưởng thành có thể học thuộc bộ luật giao thông trong thời gian ngắn nên việc chia nhỏ để dạy cho học sinh trong các năm học sẽ không chiếm nhiều thời gian nhưng lại rất có ích cho học sinh.
Việc này có 2 điều lợi lớn: thứ nhất, dần phổ cập luật giao thông hướng đến tất cả người dân đều biết luật. Thứ hai, xây dựng một nền văn hóa giao thông mới văn minh để xóa bỏ văn hóa giao thông xấu xí như hiện tại.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều nhận thấy văn hóa giao thông Việt Nam hiện nay rất xấu xí và đều muốn thay đổi điều này. Nhưng để loại bỏ cái đã gọi là "văn hóa" thì không thể dùng những biện pháp như chế tài và tuyên truyền được. Các biện pháp đó chỉ xử lý được phần ngọn chứ không triệt tận gốc.
Văn hóa là cái gốc nên muốn thay gốc phải trồng cây mới. Vậy trồng văn hóa giao thông mới từ đâu? Câu trả lời là trồng từ các em học sinh tiểu học. Hãy giáo dục các em nhỏ, gieo cho các em hành động đúng đắn để tạo thói quen, có thói quen rồi sẽ hình thành tính cách, một tầng lớp có tính cách giống nhau sẽ tạo thành nền văn hóa. Xét riêng về giao thông, thế hệ chúng ta hiện nay xem như bỏ đi rồi. Ai hành động đúng thì tốt, còn những ai có văn hóa giao thông xấu thì không hy vọng họ thay đổi gì nhiều đâu.
Độc giả Triều Trần