Bởi, chữ "gì" rất rộng.
- Bằng máy tính, máy chiếu, bảng, phấn, bút? Có lẽ là không, bởi đó chỉ là những công cụ hỗ trợ, ai cũng có thể sử dụng.
- Bằng ngôn ngữ hình thể, bên cạnh ngôn ngữ lời nói/giọng nói? Hình như không đúng luôn. Bởi ai cũng có thể vận dụng được.
- Bằng cái đầu, với khối kiến thức trong đầu và kỹ năng xử lý tình huống do cái đầu điều khiển? Có lý đấy nhưng có lẽ chưa đúng lắm, vì bất cứ người giảng viên nào cũng có khả năng này. Mặt khác, dù giảng viên, giáo viên có giỏi đến đâu thì khối kiến thức trong đầu của giảng viên ấy chỉ là hạt cát trên sa mạc tri thức nhân loại rộng lớn bao la.
Vậy câu trả lời là gì? Câu trả lời khả dĩ nhất có lẽ là bằng trái tim, bởi không phải người thầy cô nào cũng dùng trái tim trong hoạt động dạy học của mình.
Có ngoa không, khi câu trả lời là "bằng trái tim"? Không ngoa lắm đâu, bởi có câu "Phía trước tay lái là sự sống. Hãy lái xe bằng cả trái tim". Câu nói trên là câu nhắc nhở những tài xế cần cẩn trọng khi lái xe. Nếu bất cẩn, người tài xế có thể tước đi mạng sống của một hoặc nhiều người nào đó. Xa hơn nữa, sự mất mát của nạn nhân là niềm bất hạnh của nhiều gia đình, đặc biệt khi nạn nhân là trụ cột.
Trong hoạt động giáo dục đào tạo, hậu quả không đến mức là tước đi mạng sống của người học nếu người dạy làm sai. Nếu có đi chẳng nữa thì cũng không phải là hậu quả trực tiếp. Tuy vậy, xét về tầm quan trọng với tổng thể xã hội, thì sai lầm hay sai phạm trong hoạt động giáo dục đào tạo có thể gây tổn thất hơn nhiều so với việc lái xe.
Người thầy đáng kính của tôi, nay đã gần 80 tuổi, tôi đã học thầy nhiều lần trong nhiều lớp TOT (Training of Trainers) về khởi nghiệp, đã nhiều lần nhắc nhỡ các học viên rằng: "...Nếu đào tạo cho một người đàn ông thì sẽ được hoặc mất một con người. Nếu đào tạo cho một người đàn bà thì sẽ được hoặc mất một gia đình. Nhưng đào tạo cho một người đi dạy (thầy cô giáo) thì sẽ được hoặc mất nhiều thế hệ ". Điều này nếu ngẫm kỹ sẽ không sai tí nào. Thế nên nếu nói dạy học bằng cả trái tim thì cũng là hợp lý.
Tại sao dạy bằng trái tim mới có thể đạt được kết quả tốt nhất? Một vài lý do làm cơ sở cho nhận định trên có thể kể đến dưới đây.
Thứ nhất, khi dạy bằng trái tim, người dạy đặt trọng tâm vào lợi ích của người học, hơn là lợi ích của chính mình. Người người dạy học mà có suy nghĩ và hành vi để đổi tình, tiền lấy điểm là điển hình rõ nhất cho trường hợp người dạy "không có trái tim".
Người dạy học có trái tim sẽ nghĩ người học như người thân của mình, không làm tổn hại, và không ngừng tư duy, sáng tạo để để mang lại lợi ích tốt nhất cho người học, ứng với từng đối tượng học viên, từng nội dung bài học...
Thứ hai, cũng từ ý nghĩa cốt lõi trên, người dạy bằng trái tim sẽ dành thời gian chuẩn bị tốt những giảng cụ hỗ trợ phù hợp nhất việc truyền đạt nội dung thông điệp, đặc biệt quan trọng trong các lớp tập huấn với người lớn tuổi.
Ví dụ, tập huấn cho người đi dạy ở các lớp TOT, người tập huấn chọn giảng cụ là những chai nước. Chai nước gần gũi với học viên là người đi dạy. Chai nước trong bài tập trải nghiệm "rót nước" mà người viết đã áp dụng trong lớp một lớp TOT gần đây vừa có ý nghĩa "muốn tiếp nhận cái mới - phương pháp mới thì phải tạm thời làm rỗng cái cũ - tạm quên phương pháp cũ", vừa nhắc người học để đi dạy cần chú ý việc "tình trạng bị đổ đầy của học viên và đừng cố nhồi nhét thêm nữa". Hay khi tập huấn về thị trường cho nông dân thì nên chọn những giảng cụ là cái rỗ, quả trứng... những thứ gần gũi với họ.
Thứ ba, người dạy bằng trái tim sẽ thấu cảm được cảm xúc của người học. Nhờ đó, người dạy sẽ không dùng những từ xúc phạm, tạo ra sự thiếu công bằng gây ức chế người học. Thay vào đó, người dạy sẽ tạo không khí vui tươi, thoải mái để người học tiếp thu một cách tốt nhất.
Thứ tư, sử dụng trái tim, người dạy sẽ nhận biết được người học cần gì ở mình để đáp ứng đúng cái học viên cần. Tập huấn TOT cho học viên là người có trình độ để đi dạy lại cho người khác, như giảng viên và doanh nhân, thì người giảng viên dạy bằng trái tim sẽ nhận biết người học cần phương pháp, cần công cụ để làm sao chia sẻ kiến thức tốt nhất cho người học, chứ không phải kiến thức.
Người dạy ấy sẽ biết rõ rằng việc sa đà vào lý thuyết, các khái niệm, chẳng hạn kinh doanh là gì, doanh nhân là ai? Kế hoạch marketing gồm có những nội dung gì... khả năng cao là sẽ không nhận được kết quả tốt đẹp. Nhu cầu học của sinh viên, của nông dân... hoàn toàn khác biệt, người giảng viên cần phải nhận biết để đáp ứng đúng cái mà học viên cần.
Thứ năm, dùng trái tim và cái đầu, người dạy sẽ cảm nhận được khả năng nhận thức của học viên để linh hoạt điều chỉnh thời lượng ứng với nội dung và dùng ngôn từ cho phù hợp. Với các lớp TOT, học viên có khả năng nhận thức và tự nghiên cứu tốt nên người dạy có thể dùng ngôn từ hàn lâm với thời lượng cho phần kiến thức không quá nhiều, thay vào đó tập trung vào phương pháp và công cụ mang tính thức tiễn cao.
Với nông dân, người dạy phải biết dùng ngôn ngữ "bà ngoại" (nói chân chất gần gũi để người già như bà ngoại cũng có thể hiểu được) để truyền thụ với thời gian có thể kéo dài hơn sao cho đủ để đáp ứng đúng mức những gì người dạy cần truyền đạt.
Cuối cùng và quan trọng nhất, cho dù đối tượng học là ai, người dạy bằng trái tim hiểu rằng những gì mình biết chỉ là giọt nước trong đại dương bao la. Thế nên, giảng viên dạy bằng trái tim sẽ chú trọng đến năng lực tự học tự, tự khám phá kho tàn kiến thức của học viên hơn là chia sẻ những gì mình biết.
Thay vì cố gắng trả lời cho câu hỏi What? How? Với các ví dụ minh hoạ When, Where, Who... người giảng viên dạy bằng trái tim sẽ chú trọng trả lời câu hỏi Why? Nghĩa là giảng viên tạo động lực cho học viên tự tìm hiểu qua việc làm rõ tại sao nên tìm tòi, nghiên cứu về nội dung nào đó. Nội dung đó có ý nghĩa thế nào đối với công việc, có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống.
Trên đây là những lý lẽ mang tính cá nhân của tác giả bài viết, có thể đúng và có thể sai. Dù thế nào đi nữa, bài viết này hy vọng chia sẻ được một điều gì đó hữu ích, giúp những người đồng nghiệp trẻ ngày càng đạt được nhiều niềm vui trong công việc như những gì người viết đã đạt được nhờ vào việc vận dụng những ý trên.
Trần Minh Trí
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.