Con gái lớn của tôi năm nay học lớp 9. Thế là tôi đã đồng hành đến trường cùng con suốt chặng đường gần 14 năm, kể cả 5 năm nhà trẻ, mẫu giáo.
Vì thời gian làm việc của ông xã không cố định giờ giấc trong ngày (thợ thiết bị bảo trì máy), nên tôi là người đảm nhiệm vụ chính trong việc đưa đón hai con. Mỗi sáng, hai nàng khởi hành đến trường cùng hai chiếc cặp to tướng cũng là lúc bắt đầu cho "lớp học trường đời" của ba mẹ con.

Hai cô con gái đáng yêu cũng giúp tôi hiểu thêm câu chuyện về trường lớp, thầy cô, bạn bè.
Tôi tranh thủ dạy con những điều thường gặp trên suốt con đường đến trường dài gần 7 cây số, với 15 phút xe gắn máy. Đó cũng là cách tận dụng thời gian ít ỏi của một gia đình công chức. Sáng cả nhà đi học, đi làm, chiều tối lo chợ búa cơm nước học thêm học bài về nhà; chỉ có bữa cơm là còn được quây quần trao đổi việc chung việc riêng. Vì vậy, đây cũng là khoảng thời gian thích hợp để tôi có thể chỉ dẫn thêm cho con những điều mắt thấy, tai nghe trong cuộc sống.
Bài học vỡ lòng đầu tiên là về luật giao thông, từ bập bẹ, bé đã biết đèn xanh, đèn đỏ, rồi lề phải, ngược chiều... Để bây giờ, ngồi sau lưng tôi là "hai cô cảnh sát giao thông học trò", rất nghiêm khắc với mẹ về an toàn giao thông. Con gái nhỏ ngồi sau lâu lâu nhắc mẹ "Mẹ ơi, sắp có ngã rẽ bên phải, sắp đến nơi có đường giao nhau...", thông qua những biển báo giao thông trên đường.
Cũng trên con đường đời đó, tôi dạy con về thẩm mỹ, gu trang phục tinh tế. Đường cùng chiều, có nhìn thấy được mặt người đối diện đâu, chỉ là "mặt đối lưng", nhưng qua trang phục, cũng có thể nhận xét tính cách con người. Trang phục trên đường không phù hợp cho những bộ quần áo lưng quá ngắn, quần quá trễ, cũng không phù hợp với đôi giày quá cao gót, quá nhọn mũi, áo ngang ngực, sát vai.
Tôi đã dạy con việc nhận xét mọi người, mọi việc cũng hết sức khách quan, tránh những lời thị phi. Tôi muốn cho các con biết đó chính là xã hội mà con người thì vốn "9 người 10 ý", cái chính là sự cảm thông. Tôi dạy con cách ngồi thẳng lưng khi chạy xe, cách mặc áo dài khi ngồi xe phải vén vạt áo sao cho an toàn (nếu sau này con đi học)... Ôi biết bao nhiêu điều cần học trên đường, mà nếu không là mẹ chở, thì làm sao các chon có thể hiểu thêm những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy.
Trên con đường đi về hàng ngày đó, tôi dạy con mình về tình người. Một buổi chiều muộn, một em trai liệt cả hai chân bò xin ăn trên đường thật thương cảm. Tôi cho xe dừng cách sau em một quãng, rồi đưa tờ 20.000 đồng cho con gái nhỏ, mang đến đưa cho anh. Tôi chỉ mong em trai chiều nay có được bữa cơm ngon hơn một chút.
Ở trước trường mẫu giáo Tân Xuân trên đường Lê Thị Hà, có một ông cụ râu tóc bạc phơ, da dẻ nhăn nheo, quần áo cũ sờn, dáng vẻ gầy gò, vậy mà vẫn vác một cây tre với rất nhiều bong bong, đồ chơi rẻ tiền đứng bán cho các bé mẫu giáo giờ tan học. Tôi luôn cố nhìn ông mỗi khi về ngang.
Tết được tiền thưởng, tôi lấy 50.000 đồng tiền mới bỏ vào bao lì xì, cũng đậu xe cách xa, rồi bảo con gái lớn mang đến biếu ông. Đến lúc ông ngước nhìn theo, 3 mẹ con gật đầu chào ông rồi đi khuất. Tôi nói với con: "Mẹ chỉ muốn mang lại niềm vui dù nhỏ nhoi, dù ngắn ngủi cho những mảnh đời cơ cực ấy, vì mình được may mắn hơn rất nhiều người".
Tôi dạy con mỗi khi có chuyện gì buồn hay nản chí, hãy nhìn những cô bác dù tật nguyền mà vẫn ra đời kiếm sống, vẫn mang niềm tin lạc quan vào cuộc sống, sẽ thấy nỗi buồn hay sự thất bại chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi muốn nhen nhúm trong lòng các con một ngọn lửa tin yêu, để nhắc nhở con về truyền thống nghìn đời của dân tộc "lá lành đùm lá rách"...
Cũng trên con đường đời đó, có lần tôi dừng xe trước cánh đồng lúa xã Xuân Thới Đông, xin bác nông dân một bông lúa đang lên đòng, cho con cắn thử hạt gạo non ngọt như sữa, cảm nhận mùi rơm rạ đồng quê. Rồi tôi dừng xe để cả 3 mẹ con nhặt những bông dầu (chò chỉ) về nhà thả trong gió làm chong chóng xoay.
Tôi còn chở con đi khám phá những tuyến đường mới mở trong huyện nhà một cách thong dong, tự hào, để chọn lựa thêm những cung đường đi về ngắn nhất. Tôi ghé cầu An Hạ, chỉ cho con gọng vó thực ngoài đời mà con cứ thắc mắc khi học trong sách giáo khoa lớp 1. Dừng chân ở đèn đỏ ngã tư An Sương, trong dòng người xe cộ đông đúc, 3 mẹ con vẫn trầm trồ trước mảng hoa vàng lá xanh của thảm đậu phộng kiểng, mà các cô chú công nhân cây xanh trồng dọc bùng binh nở bừng lên trong nắng sớm...
Những cũng chính trên con đường đời đó, tôi đã học được từ 2 con những câu chuyện con kể về trường lớp, thầy cô, bạn bè. Tôi vẫn nói với con "Mẹ chưa biết hết tất cả, có nhiều điều mẹ vẫn phải học lại từ các con. Tôi luôn cám ơn con đã kể cho nghe những câu chuyện ý nghĩa trong cuộc sống. Thông qua những câu chuyện trên đường, tôi sẽ biết suy nghĩ của con, để từ đó có thể uốn nắn kịp thời nếu cháu có những tư tưởng lệch lạc do còn non nớt.
Một số phụ huynh đã đặt nặng giáo dục con cho nhà trường. Họ đã quên rằng nếp nhà chính là nơi giáo dục con được hoàn thiện về nhân cách song song với con đường học vấn của nhà trường. Vì vậy, nếu có thể, các chị em nên cố gắng chở con đi học, để có thể mang lại cho các cháu những kiến thức ý nghĩa trên trường đời.
Chiều nay trên con đường gần trường cấp 2 Nguyễn An Khương, mọi người nô nức thả những cánh diều đủ màu sắc rợp cả khoảng trời. Tôi dừng xe lại để con nhìn ngắm những cánh diều bay cao. Riêng tôi, tôi ngắm nhìn khuôn mặt hân hoan của con và mong sao những cảm xúc tuổi thơ sẽ in đậm trong tâm hồn các cháu.
Đó chỉ những câu chuyện nhỏ trên đường đưa rước con đi học mỗi ngày, nhưng tôi tin sẽ là bài học lớn cho con vững bước trên con đường đời.
Huỳnh Ngọc Trinh