Vài chục năm trước, khi việc cả trường, thậm chí cả làng chỉ có vài người trúng tuyển vào đại học, thì câu chuyện giữa cho con cái theo học hay đi làm kiếm tiền đã là sự tranh luận gần như bất phân thắng bại rồi.
Nếu tính về thực tế, những người cho con em vào đời sớm, tranh thủ kiếm sống, chẳng những không mất tiền ăn học bỏ ra trong suốt 3-4 năm học đại học, cao đẳng, mà còn có thêm thu nhập dường như có lý. Chưa kể nếu theo con đường buôn bán, kinh doanh thành công ...thì sự vượt trội về tiền bạc, tài sản là điều không thể chối cãi.
Nhưng với truyền thống hiếu học, mong muốn cho con ăn học đến nơi tới chốn, gần như không một bậc cha mẹ nào không cố gồng gánh cho việc học của con. Dĩ nhiên, không ai ảo tưởng rằng con em mình sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ bỗng dưng giàu có, thu nhập cao chót vót, bởi còn phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Vậy thì có phải chuyện đầu tư cho việc học của con chỉ nhằm toan tính hoàn vốn và có lời hay không? Những năm sau này, khi mọi thứ thoáng hơn, chuyện nhắm tới việc du học nước ngoài ở các quốc gia phát triển không còn là điều lạ lẫm đối với học sinh và phụ huynh Việt Nam.
Và xét ở góc độ nào đó, chuyện quyết định cho con em du học cũng không khác mấy so với chuyện cho con em mình từ các làng quê xa xôi vào TP HCM hay ra Hà Nội học. Cũng tốn kém, cũng bỡ ngỡ ở môi trường mới. Chỉ có khác một chút là du học nước ngoài đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn, tài chính phải dồi dào hơn.
Và dĩ nhiên, với những trường hợp không phải là con nhà giàu lắm tiền nhiều của, cũng không phải thuộc loại xuất sắc để nhận học bổng toàn phần, thì quyết định cho con em đi du học cũng phải đắn đo nhiều thứ.
Tính toán là một chuyện, còn thực tế trong những năm du học, khả năng tiếp thu, hòa nhập xã hội, khả năng tìm kiếm việc làm ở xứ người hay phải quay về lại Việt Nam cũng không thể chắc chắn 100% được.
Thậm chí là phải đứt đoạn giữa đường vì những lý do bất khả kháng. Vậy thì, nếu cha mẹ đã xem chuyện cho con cái du học là một phi vụ đầu tư và chăm chăm vào chuyện phải"hoàn vốn" như là điều kiện tiên quyết, thì liệu đó có phải là một áp lực cho con cái hay không? Và con cái học xong, lao vào kiếm tiền và hoàn vốn lại bằng cách nào?
Trong khi xưa giờ, dường như "nước mắt chảy xuôi" luôn là tâm niệm đối với người Việt chúng ta? Mà cho dù có lạnh lùng tính toán cho kỹ lưỡng, việc chăm lo cho con cái học hành tử tế, tới nơi tới chốn chẳng có một lời giải nào hoàn hảo cho việc"hoàn vốn" bằng tiền bạc cả. Và tính chi ly việc nuôi dưỡng và ăn học từ mẫu giáo đến khi ra đời, vốn nào mà hoàn cho đặng?
Còn nếu vì lòng thương, trách nhiệm của bậc cha mẹ, con em mình được đi học lên cao sẽ khiến cuộc đời của chúng rộng mở hơn, được trải nghiệm nhiều hơn, được thỏa mãn ý chí và lý tưởng cao hơn, nắm bắt được nhiều cơ hội và thách thức của cuộc sống hơn.
Những điều này là vô giá, làm sao quy đổi ra "vốn" và "lời" rạch ròi bằng con số được? Điều này theo tôi áp dụng cho cả chuyện con em học trong nước hay được ra nước ngoài du học. Và mong rằng, phụ huynh đừng bao giờ đặt nặng chuyện hoàn vốn như một phi vụ đầu tư thông thường. Bởi đầu tư có phải luôn luôn là thắng đâu? Huống chi đây lại là con em của mình?
Bá Trung
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.