Tôi làm giáo viên, vừa về hưu năm ngoái. Sau khi dành tiền đi du lịch cả năm qua, giờ còn dư tầm hai tỷ đồng.
Trước đây, tôi vẫn gửi tiết kiệm và mua vàng theo kiểu tích cóp. Nhưng giờ bản thân muốn tìm hiểu đầu tư thêm. Hiện tôi có nghĩ đến chứng chỉ quỹ và quỹ hưu trí. Theo tìm hiểu của tôi, thật ra chúng đều là một loại hình, nhưng vẫn còn mơ hồ về ưu, nhược điểm của từng loại.
Vậy ở độ tuổi này, tôi phù hợp với loại nào? Rất mong nhận được sự chia sẻ, góp ý của chuyên gia.
Bùi Văn Đỉnh
Chuyên gia tư vấn:
Với độ tuổi của bạn, nên phân bổ tài sản thiên về hướng an toàn, có tính thanh khoản cao. Việc duy trì một khoản gửi tiết kiệm là hợp lý.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cân nhắc sản phẩm chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu, với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn tiền gửi tiết kiệm, thời gian đầu tư phù hợp từ 2-3 năm. Các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp sẽ nhận tiền ủy thác từ bạn để thực hiện đầu tư vào một danh mục đa dạng các trái phiếu có chất lượng.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể phân bổ một phần tiền vào các chứng chỉ quỹ đầu tư cổ phiếu. Kênh này sẽ mang lại lợi nhuận cao trong dài hạn nhưng đi kèm là rủi ro cao hơn, thời gian đầu tư từ 3-5 năm.
Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán. Quỹ đầu tư được thiết lập để huy động vốn từ nhiều người, sau đó mang đi đầu tư vào lĩnh vực có khả năng sinh lời cao như cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ hoặc bất động sản. Quỹ này được quản lý bởi đội ngũ chuyên gia giàu kiến thức và kinh nghiệm, được giám sát bởi cơ quan có thẩm quyền.
Trong khi đó, quỹ hưu trí hay quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, là quỹ tài chính để thực hiện chương trình hưu trí, được hình thành từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động nhằm cải thiện cuộc sống hưu trí về sau của người lao động. Do đó, sản phẩm này phù hợp với người đang ở trong độ tuổi lao động hơn.
Tôi giả định bạn là một người có khẩu vị rủi ro ở mức bình thường và đang ở độ tuổi 60, không phụ thuộc vào số tiền đầu tư này cho chi phí sinh hoạt hàng ngày. Bạn nên phân bổ 2 tỷ đồng theo tỷ lệ tham khảo như sau: 35% tiền gửi tiết kiệm và vàng (tương đương 700 triệu đồng), 35% vào trái phiếu (700 triệu đồng) và 30% còn lại vào cổ phiếu (600 triệu đồng). Với trái phiếu và cổ phiếu, bạn có thể tự tham gia hoặc rót tiền vào các quỹ đầu tư.
Phạm Lê Duy Nhân
Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư
Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF)