Tháng 6 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức cho phép Công ty East Asia Air Express Inc của Hàn Quốc thành lập Công ty TNHH Thể thao - Giải trí - Sân golf Long Sơn tiến hành xây dựng và kinh doanh một sân golf 54 lỗ tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Ngoài sân golf, tại khu vực này nhà đầu tư cũng sẽ cho xây dựng câu lạc bộ, khách sạn 5 sao và các khu biệt thự tiêu chuẩn quốc tế với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2005, sân golf 36 lỗ sẽ hoàn tất và 18 lỗ còn lại sẽ được hoàn thành vào năm 2006.
Sân golf Long Sơn không phải là sân duy nhất được khởi công trong thời gian tới. Một loạt sân golf khác cũng đã và đang được triển khai. Chỉ một tháng sau ngày Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái - văn hóa Sóc Sơn, đã có 3 nhà đầu tư xin đầu tư dự án sân golf.
Tháng trước, Chính phủ cũng đã bật đèn xanh cho dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng Saigon Atlantis tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó dự kiến sẽ xây dựng một sân golf. Một sân khác tại Lạng Sơn của một nhà đầu tư Trung Quốc cũng vừa được cấp phép; trong khi một doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang xúc tiến việc xây dựng một sân golf khác tại Đà Nẵng.
Một tỉnh nghèo như Hà Tĩnh cũng đang nằm trong "tầm ngắm" của một nhà đầu tư. Đại diện của Công ty ATI - nhà đầu tư hàng loạt dự án du lịch, nuôi trồng thủy sản và dầu khí, cho biết, họ đang có kế hoạch xây dựng một sân golf ở một địa điểm ven bờ biển của tỉnh này, nơi được đánh giá là có tiềm năng lớn về du lịch và nghỉ dưỡng nhưng chưa được khai thác nhiều.
Đối với các dự án sân golf đã triển khai, tình hình kinh doanh trong thời gian qua cũng rất khả quan. Đại diện chủ đầu tư của 9 sân golf đang hoạt động tại Việt Nam, tham gia cuộc họp chuẩn bị cho việc thành lập Hiệp hội Golf Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 5 vừa qua, đều có chung nhận định là tình hình kinh doanh đang khởi sắc trở lại.
Đầu tháng này, tại Đồng Mô (Hà Tây), sân golf King's Island đã khai trương thêm 18 lỗ mới. Đối với những sân golf đã nhận giấy phép nhưng chưa triển khai được cũng đang có nhiều tín hiệu phục hồi. Một nhà đầu tư Thái Lan vừa chính thức trở thành chủ mới của dự án sân golf Kim Nỗ tại Hà Nội, vốn trước đây do tập đoàn Daewoo đầu tư.
Theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn và Nghiên cứu thị trường CB Richard Ellis, hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm tới thị trường bất động sản Việt Nam, trong đó có lĩnh vực sân golf. Ông này cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng cho phát triển sân golf, chẳng hạn như lợi thế về địa hình, khí hậu và nhiều chính sách ưu đãi.
Số liệu của Ban vận động thành lập Hiệp hội Golf Việt Nam, cho biết, hiện nay Việt Nam mới chỉ có khoảng 2.500 người chơi golf, trong đó 85% là người nước ngoài. Phó chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao Nguyễn Trọng Hỷ cũng thừa nhận rằng, trên góc độ chuyên môn thì golf vẫn là môn chưa phát triển ở Việt Nam và việc phổ biến môn thể thao này chỉ có thể là chuyện của tương lai. Nhưng có một điều chắc chắn là ngày càng có nhiều người Việt Nam chơi golf và tình hình đang diễn ra tương tự như với môn quần vợt khoảng 10 năm trước đây.
Người ta đến sân golf không phải chỉ để chơi golf mà còn là để nghỉ ngơi, giải trí. Chính vì vậy, mô hình của các sân golf tại Việt Nam được xây dựng trong thời gian tới sẽ gắn với khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, khu biệt thự nhà vườn... Và khách hàng của các sân golf sẽ vẫn chủ yếu là người nước ngoài.
Trả lời báo chí nhân dịp được cấp phép, một lãnh đạo Công ty East Asia Air Express Inc cho biết công ty xây dựng sân golf ở Việt Nam là để tranh thủ lượng khách hàng thường xuyên của mình. East Asia Air Express Inc rất thành công với hai sân golf ở Trung Quốc, thế nhưng vào mùa đông những sân golf này phải đóng cửa. Đầu tư thêm sân golf ở Việt Nam chính là để phục vụ cho các hội viên có cơ hội được chơi cả trong mùa lạnh.
(Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)