UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt dự án nâng cấp quốc lộ 6, điểm đầu tại Ba La, quận Hà Đông; điểm cuối tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, tiếp giáp với huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Mặt cắt ngang tuyến đường sau cải tạo là 50-60 m, trong đó đoạn từ nút giao Ba La đến nút giao Vành đai 4 có hai làn dành cho xe buýt nhanh (BRT) được bố trí sát dải phân cách giữa.
Trên tuyến có bảy cầu đường bộ và một cống hộp (cống Tuân). Bảy cầu gồm: Mai Lĩnh, Đồng Trữ, Tân Thượng, Quán Lát, Xuân Mai, Sông Bùi và Năm Lu.
Dự án có bốn nút giao chính, trong đó các nút giao khác mức (nơi có hai hoặc nhiều tuyến đường giao nhau nằm ở cao độ khác nhau) với quốc lộ 21A, đường trục Bắc Nam và Vành đai 4 sẽ thực hiện theo các dự án riêng.
Trước mắt, khi các nút giao khác mức chưa được đầu tư xây dựng thì đoạn tuyến qua khu vực này được thiết kế theo quy mô mặt cắt ngang phù hợp với chỉ giới đường đỏ, bảo đảm tầm nhìn tối thiểu an toàn. Riêng nút giao Ba La (giao với quốc lộ 21B) thiết kế giao bằng, có đèn tín hiệu và vạch sơn dẫn hướng.
Ngoài ra, dự án cũng có hệ thống thoát nước mưa, nước thải (đi ngầm); chiếu sáng; họng cứu hỏa; vạch sơn, biển báo...
Đại diện UBND TP Hà Nội cho hay, việc thực hiện dự án nhằm từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng khung theo quy hoạch, tạo nên trục giao thông đô thị hoàn chỉnh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Chương Mỹ, quận Hà Đông và các vùng lân cận.
Kinh phí đầu tư dự án từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội và vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Thời gian thực hiện từ 2022 đến 2027.
Quốc lộ 6 nối thủ đô Hà Nội với Tây Bắc, đi qua bốn tỉnh và thành phố là Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên, tổng chiều dài 478 km. Đoạn tuyến qua Hà Nội khá hẹp, chỉ khoảng 7 m, mặt đường gồ ghề, từng xảy ra nhiều vụ tai nạn.
Đoạn quốc lộ 6 từ Ba La đến thị trấn Xuân Mai sẽ được nâng cấp (đường xanh đậm trên bản đồ).
Võ Hải