Covid-19 hai năm qua khiến nhiều quốc gia trên thế giới buộc phải tạm "đóng cửa" với các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội. Nhiều cửa hàng bán lẻ truyền thống "thấm đòn" khi phải liên tục đóng cửa, không có khách hoặc dù mở lại cũng sụt giảm doanh thu đáng kể. Lối thoát nhiều doanh nghiệp và nhà bán lẻ lựa chọn thời điểm này là chuyển đổi số, đưa hoạt động kinh doanh lên nền tảng trực tuyến.
Tech Radar ghi nhận 85.000 doanh nghiệp trên thế giới đã tận dụng cơ hội kinh doanh trực tuyến bằng cách xây dựng các website bán hàng hoặc đưa sản phẩm lên thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc xây dựng một nền tảng thương mại điện tử mới sẽ khó thu hút khách hàng ngay lập tức như các cửa hàng truyền thống tại những con phố sầm uất.
Để xây dựng website thương mại điện tử thành công, Tech Radar cho rằng các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược truyền thông, tiếp thị hướng đến không chỉ đối tượng bán hàng mà bao gồm cả đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị tinh thần đối mặt với những thách thức về trải nghiệm người dùng, bảo mật và các chức năng.
Dưới đây là những gợi ý từ Tech Radar để có một website hoặc ứng dụng thương mại điện tử thành công:
Chọn một nền tảng chính
Các trang thương mại điện tử đòi hỏi sự phức tạp hơn so với blog, mạng xã hội hoặc những kênh tin tức thông thường. Người dùng cần truy cập để xem mô tả, hình ảnh sản phẩm, công dụng, thông số chi tiết, lượng hàng trong kho, tương tác với sản phẩm và thanh toán. Tất cả những điều này phải được thực hiện một cách an toàn và trực quan.
Theo đó, các doanh nghiệp nên chú trọng đầu tư vào một nền tảng tích hợp sẵn những chức năng này. Có người cho rằng điều này đồng nghĩa với xây dựng một hệ thống quản lý nội dung mới (CMS) với một nhóm các nhà phát triển website. Số khác chọn kết hợp với một nền tảng thương mại điện tử sẵn có. Dù chọn hướng nào, doanh nghiệp trước tiên cần nắm được cách khách hàng tương tác với thương hiệu và website thế nào, thói quen tiêu dùng ra sao, ở từng giai đoạn trong hành trình mua sắm, qua đó có giải pháp phù hợp.
Một cân nhắc khác là đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon hoặc các trang truyền thông xã hội kết nối được với website thương hiệu. Tuy nhiên trước khi quyết định, nhà bán lẻ cần tìm hiểu xem nền tảng đó có cho phép tùy chỉnh trải nghiệm thanh toán theo ý muốn hay không. Nếu có, thao tác tùy chỉnh trên nền tảng này ra sao và làm thế nào để đơn giản hóa việc chỉnh sửa giá bán, hình ảnh sản phẩm, mức ưu đãi... hay bao gồm cả mức phí chiết khấu khi đạt thỏa thuận lên sàn.
Doanh nghiệp cần xác định rõ những yếu tố này trong giai đoạn nghiên cứu xây dựng kênh online để tránh rủi ro và nguy cơ đầu tư sai nền tảng, dẫn đến sai lầm tốn kém. Khi liệt kê những yếu tố trên và có sẵn phương hướng giải quyết hoàn thiện, các công ty bán lẻ có thể bắt đầu so sánh, lựa chọn những nền tảng thương mại điện tử thịnh hành và được ưa chuộng trên thị trường.
Với cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, những nền tảng thương mại điện tử uy tín, có sẵn vị thế sẽ cung cấp khả năng đáp ứng và hỗ trợ kỹ thuật khi gặp phải vấn đề vận hành. Họ cũng có sẵn tệp khách hàng lớn và đội ngũ nhân viên dày dạn, điều mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ mới chuyển đổi số cần thời gian gầy dựng.
Trải nghiệm mua sắm đơn giản, dễ dàng
Ngoài thu hút khách hàng mới, nhà bán lẻ lẫn các thương hiệu lớn cũng cần chú trọng trải nghiệm mua sắm để giữ chân khách hàng cũ và tiềm năng. Giao diện website, ứng dụng mua hàng phải đơn giản, trực quan và dễ sử dụng, song không được quá sơ sài, thiếu thông tin hay quá nhàm chán.
Giao diện là yếu tố đầu tiên để lại ấn tượng của người dùng khi truy cập website hoặc ứng dụng thương mại điện tử. Nếu không thích thiết kế, màu sắc thiếu hài hòa và sắp xếp kém logic, người dùng sẽ khó tìm thấy món hàng hoặc thông tin họ mong muốn.
Người tiêu dùng hiện đại không muốn tốn quá nhiều công sức khi tìm kiếm sản phẩm. Họ yêu cầu trải nghiệm mua sắm trực tuyến phải dễ dàng và tiện lợi. Cảm giác khó chịu về giao diện sẽ dễ dẫn đến tâm lý e dè, khó chịu và lo lắng về bảo mật dữ liệu. Đây rất có thể là yếu tố chính khiến khách hàng không ngần ngại rời bỏ để đến với đối thủ cạnh tranh.
Theo đó, khi xây dựng website hoặc ứng dụng thương mại điện tử, doanh nghiệp cần chú trọng nhiều đến thiết kế và nội dung, tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Ngoài ra cũng cần chạy thử trên nhiều nền tảng khác nhau, chuẩn bị những phương án thiết kế đa dạng để chắc chắn về tính linh hoạt khi người dùng sử dụng nhiều thiết bị cùng lúc.
Thanh toán đơn hàng là một trong những bước quan trọng nhất trong hành trình mua hàng của người tiêu dùng. Hiện nay, họ thường đòi hỏi nhiều phương thức thanh toán khác nhau từ trả trước đến trả sau. Doanh nghiệp có thể chủ động tích hợp nhiều cổng thanh toán từ đối tác, kết hợp thêm các ưu đãi để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Cách này không chỉ thêm tính linh hoạt, thuận tiện mà còn góp phần giảm tỷ lệ hủy và hoàn đơn.
Bảo mật dữ liệu người dùng
Một trong những điều to lớn khiến người tiêu dùng trực tuyến ngày càng lo lắng là liệu thông tin cá nhân, tài khoản bảo mật có được đảm bảo khi thực hiện thanh toán trên những website, ứng dụng thương mại điện tử hay không. Một báo cáo gần đây cho thấy khoảng 75% doanh nghiệp nhận thấy sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng khi thanh toán trực tuyến. Trong đó, người dùng có xu hướng tìm kiếm phương thức an toàn nhất như thanh toán tiền mặt trả sau.
Tuy nhiên, rủi ro về bảo mật thông tin không chỉ là nỗi lo của người dùng mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Các nghiên cứu cho thấy 44% người tiêu dùng từ chối mua hàng của những thương hiệu, doanh nghiệp có tiền sử vi phạm bảo mật, làm lộ thông tin khách hàng. Ngoài các mưu đồ lừa đảo và phần mềm độc hại thông thường, ngày càng có nhiều cuộc tấn công mạng nhắm trực tiếp vào các cổng thanh toán trực tuyến.
Song, việc xây dựng hàng rào bảo mật cho một website mới thường an toàn và tiết kiệm chi phí hơn so với việc giải quyết những vấn đề xoay quanh nó, chẳng hạn như các mối đe dọa tiềm ẩn về tổn hại danh tiếng và tiền phạt nặng do không tuân thủ các quy định bảo mật dữ liệu.
An ninh mạng và bảo mật dữ liệu cần được các doanh nghiệp xem xét kỹ càng ở mọi giai đoạn của quá trình thiết kế website, ứng dụng thương mại điện tử. Điều này sẽ bao gồm việc thêm chứng chỉ SSL vào các tên miền website mới để mã hóa dữ liệu được gửi giữa người dùng và máy chủ. Ngoài ra, việc đăng ký tường lửa ứng dụng website (WAF) để bảo vệ, theo dõi, lọc và chặn bất kỳ tương tác đáng ngờ nào cũng là lựa chọn cần thiết mà các doanh nghiệp bán lẻ nên cân nhắc khi muốn chuyển đổi số.
Thái Nghiên (Theo Tech Radar)