Dự án gồm hai phân đoạn. Đoạn 11 km Rạch Sỏi - Bến Nhất cơ bản đi trùng với quốc lộ 61, điểm đầu tại huyện Châu Thành, điểm cuối tại huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Đoạn 40 km Gò Quao - Vĩnh Thuận có điểm đầu tại huyện Gò Quao, điểm cuối ở xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Giai đoạn đầu tuyến đường có 2 làn xe, sau nâng lên 4 làn, vận tốc thiết kế 80 km/h. Nguồn vốn đầu tư dự án từ ngân sách nhà nước, trong đó chi phí bồi thường, tái định cư gần 540 tỷ đồng và xây dựng 2.820 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ nay đến năm 2025.
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đại diện chủ đầu tư, được giao tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, lựa chọn nhà thầu để triển khai dự án.
Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông các tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu, phát huy vai trò của tuyến đường trong việc kết nối giữa các địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ.
Đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) dài 2.744 km, quy mô tối thiểu 2 làn xe. Theo nghị quyết Quốc hội, năm 2020 tuyến đường phải hoàn thành, song đến giữa năm 2022 mới làm được 2.362 km và 258 km tuyến nhánh, đang triển khai 211 km. Còn lại còn 171 km dự kiến cần 10.700 tỷ đồng, trong đó có hai đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận.