Thứ hai, 23/12/2024
Thứ tư, 11/1/2023, 00:00 (GMT+7)

Dấu tích hàng nghìn di chỉ đồ đá hơn 80 vạn năm

Gia Lai20 địa điểm chứa di chỉ đồ đá cũ An Khê với hàng nghìn hiện vật niên đại khoảng 80 vạn năm, được xem cái nôi loài người.

Di chỉ đồ đá cũ An Khê (thị xã An Khê) được phát hiện năm 2014, là hệ thống nhiều điểm di tích phân bố khắp thung lũng An Khê trong bán kính hơn 3 km quanh lòng hồ trình thủy điện.

Sơ đồ các địa điểm thuộc di chỉ đồ đá cũ An Khê.

Năm 2015, di tích Gò Đá (phường An Bình) được các nhà khảo cổ học Việt - Nga khai quật lần đầu tiên diện tích 20 m2, ở vị trí cao khoảng 40 m so với lòng sông Ba. Quá trình khai quật Gò Đá, các nhà khảo cổ học khảo sát phát hiện hơn 20 địa điểm đá cũ.

Từ năm 2015 đến 2019, các nhà khảo cổ khai quật 4 vị trí gồm Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4, Rộc Tưng 7 và Gò Đá, thu hàng nghìn di vật đá gồm công cụ chặt, công cụ ghè một mặt, mảnh tước, hạch đá, thiên thạch...

Rìu tay được tìm thấy tại di tích Rộc Tưng 3.

Hầu hết công cụ ở đây được làm bằng đá quartz; tiêu biểu là loại công cụ chặt làm từ các viên cuội to thô, những mũi nhọn lớn làm từ hạch đá quartz, nạo làm từ mảnh tước nhỏ.

Mảnh tước được khai quật tại Rộc Tưng. Hiện bảo tàng Tây Sơn Thượng Đạo lưu giữ hơn 4.000 hiện vật, trưng bày trên 200 di vật.

Thiên thạch được tìm thấy ở hố 2, Rộc Tưng 1. Quá trình khai quật ở địa tầng di vật, các nhà khoa học thu được hàng trăm mảnh tektitle (thiên thạch) - một di chỉ đồ đá cũ nổi tiếng trong ngành khảo cổ học.

Hạch đá (nguyên liệu để người nguyên thủy dùng để chế tác công cụ lao động) được tìm thấy ở di tích Rộc Tưng, đang trưng bày tại Bảo tàng Tây Sơn Thượng Đạo (thị xã An Khê).

Kết quả khai quật phát hiện các sưu tập công cụ đá của người nguyên thủy niên đại khoảng 80 vạn năm, trong đó có các công cụ rìu tay ghè hai mặt thuộc dạng rất quý hiếm ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á.

Những phát hiện Đá cũ đã đưa An Khê vào một trong 10 điểm có di tích Đá cũ của loài người giai đoạn người đứng thẳng. Việc này góp thêm tư liệu nghiên cứu lịch sử hình thành con người và văn hoá đầu tiên của nhân loại.

Hàng nghìn "công cụ đá" của người nguyên thủy có niên đại khoảng 80 vạn năm, trong đó có các công cụ rìu tay ghè hai mặt thuộc dạng rất quý hiếm ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á được trưng bày tại Bảo tàng Tây Sơn Thượng Đạo (thị xã An Khê).

Phía sau là bức tranh mô phỏng 5 bước tiến hoá của loài người. Dấu tích người cổ tìm thấy tại di chỉ An Khê nằm ở giai đoạn người đứng thẳng (Homo erectus), tổ tiên trực tiếp của người hiện đại (Homo sapiens).

Hệ thống di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê đã được Hội đồng biên soạn Bộ lịch sử quốc gia đưa vào chính sử với giá trị là nơi xuất hiện người nguyên thủy sớm nhất ở Việt Nam.

Di tích Rộc Tưng 4 được ví là "công xưởng" chế tác đồ đá, chứng tỏ vùng đất này từng là nơi cư trú của cộng đồng người giai đoạn đứng thẳng.

Vị trí này được được phát hiện năm 2015 và khai quật 3 lần với hàng nghìn hiện vật đá (công cụ chặt, mũi nhọn, công cụ ghè hết một mặt, hạch đá, đá có vết gia công, mảnh tước) và mảnh thiên thạch.

Cuối năm 2022, Rộc Tưng-Gò Đá vừa được Thủ tướng công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Vừa qua tỉnh Gia Lai đề xuất khai quật mở rộng thêm 16 địa điểm và thực hiện công trình nghiên cứu, bảo tồn di tích đá cũ An Khê để có câu trả lời thuyết phục về tổ tiên loài người.

Vị trí hệ thống di chỉ sơ kỳ đồ đá cũ An Khê ở tỉnh Gia Lai. Ảnh: Google Maps

Trần Hóa

Ảnh tư liệu