Ngày 31/12, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, đề xuất khai quật, nghiên cứu, phát huy giá trị hệ thống di tích sơ kỳ đá cũ An Khê đã trình Chính phủ, sau khi địa phương làm việc và được sự thống nhất của các bộ ngành.
Hệ thống di tích đá cũ An Khê được phát hiện năm 2014. Từ năm 2015 đến 2019 Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng Viện Hàn lâm Khoa học Nga khảo sát gần 20 địa điểm đá cũ và khai quật 4 điểm ở thị xã An Khê, dọc thung lũng sông Ba. Các nhà khoa học phát hiện các công cụ đá của người nguyên thủy niên đại khoảng 80 vạn năm, trong đó có các công cụ rìu tay ghè hai mặt rất quý hiếm ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á.
Di tích sơ kỳ đá cũ An Khê được giới khoa học đánh giá là nơi xuất hiện người nguyên thủy sớm nhất ở Việt Nam, giá trị tầm quốc gia và thế giới. Tuy nhiên, đến nay số lượng di tích được khai quật mới chỉ có 4/20 điểm, diện tích khai quật khoảng 250 m2, còn hàng vạn m2 chưa được khám phá.
Ngoài ra rất nhiều di vật mới chỉ được phân loại sơ bộ, chưa được phân tích chuyên sâu; các nghiên cứu so sánh chưa được thực hiện có hệ thống. Chính vì vậy những nhận định về tính chất, niên đại hệ thống di tích này chưa hoàn toàn thuyết phục. Việc xây dựng đề án nghiên cứu sâu rộng, đồng bộ đối với hệ thống di tích đá cũ An Khê rất cần thiết.
Đề án sẽ thực hiện khai quật tại 16 địa điểm tại An Khê, nghiên cứu về địa chất, địa mạo, cảnh quan; khảo sát mở rộng trong lưu vực sông Ba (huyện K'Bang, Phú Thiện, Ayun Pa) và các khu vực khác tại Gia Lai và Tây Nguyên; xây dựng các nhà bảo tồn, trưng bày...
Trần Hoá