Ông Thắng từng không bất ngờ khi GRDP thành phố quý I tăng 0,7% vì thực tế sức mua tại 100 siêu thị Co.opmart của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM - Saigon Co.op - lúc đấy chỉ có thể diễn tả bằng từ "èo uột". Đó là lúc doanh nghiệp ông buộc phải hành động quyết liệt hơn.
Tăng kích cầu kể từ tháng 4, siêu thị ông Thắng ghi nhận doanh thu cải thiện hẳn. Ước tính quý II, doanh thu toàn hệ thống này tăng 6-7% so với cùng kỳ, tăng 1-2% so với quý trước.
Các nhà bán lẻ như Saigon Co.op tìm thấy sự khởi sắc cũng là lúc ông Tạ Chu Văn, Giám đốc Công ty thương mại dịch vụ và phát triển Sen Ta (chuyên sản xuất và xuất khẩu các loại nông sản, trà), bớt lo lắng. Cung cấp nông sản cho các hệ thống siêu thị ở TP HCM, doanh thu hai tháng qua của công ty ông Văn dần cải thiện. "Chúng tôi chạy các chương trình khuyến mãi, bổ sung nhiều sản phẩm mới, lạ để đáp ứng xu hướng và nhu cầu thị trường", ông Văn nêu lý do quý II khởi sắc.
Với doanh nghiệp sản xuất, giữa cơn bão nhu cầu quốc tế yếu, ông Phạm Quang Anh, Nhà sáng lập kiêm CEO Công ty May mặc Dony, vẫn giữ được nhịp độ hoạt động của nhà máy. "Đơn hàng nội địa của chúng tôi tăng do vào thời vụ may đồng phục học sinh. Xuất khẩu thì đặt hàng từ khách cũ có nhích lên", ông nói.
Ở lĩnh vực đầu tư công, vốn được xem là động lực tăng trưởng cho thành phố, doanh nghiệp tham gia nói đã nhìn thấy nhiều hy vọng. "Chưa bao giờ có một dự án ở thành phố với quy mô cấp quốc gia chuyển động nhanh như vậy", ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP HCM, đơn vị đầu tư dự án Đường vành đai 3, chia sẻ. Theo ông, các địa phương đều vượt tiến độ đề ra, tỷ lệ giao mặt bằng tăng từng ngày.
Lãnh đạo một công ty chuyên đầu tư hạ tầng ở TP HCM cũng cho rằng thời gian qua, thành phố đang rất nỗ lực mời gọi các nhà đầu tư tham gia những dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). "Tốc độ công việc đang nhanh hơn đáng kể", ông nhìn nhận.
Những tín hiệu cải thiện này cho thấy kinh tế thành phố cơ bản hồi phục, đánh dấu sự tăng trưởng bằng những con số đáng chú ý. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 298.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 9% so với quý I và cùng kỳ 2022.
Động lực thứ hai là tăng tốc giải ngân đầu tư công. Vốn thực hiện quý II ước hơn 10.260 tỷ đồng, tăng trên 89% so với quý I và 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng, ước thực hiện gần 15.700 tỷ đồng, tăng 43,9%.
Nhờ sự khởi sắc của các trụ cột, tăng trưởng kinh tế quý II của thành phố đạt 5,87%, giúp GRDP nửa đầu năm ước tăng 3,55%. Theo TS Trần
Du Lịch, đây là con số tăng trưởng ngoạn mục, vượt lên GDP cả nước.
"Thời điểm này thành phố còn khó khăn nhưng tâm thế đã vui hơn so với lúc kết thúc quý I nhờ kinh tế phục hồi và Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù được thông qua", ông Lịch nhận định.
Tại Co.opmart, Giám đốc khối vận hành hoạt động Nguyễn Ngọc Thắng cho biết những tháng qua, siêu thị ông hợp tác với Đồng Tháp đã giúp
sức mua xoài của địa phương này trong hệ thống tăng 10%.
Ngoài ra, giá trị mỗi hoá đơn trung bình tháng 5 của Co.opmart khoảng 500.000 đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. "Những ngày cuối tuần, người dân có thời gian mua sắm và các chương trình khuyến mãi được tung ra nhiều giúp trị giá hoá đơn bình quân tăng lên 800.000 đồng đến một triệu đồng", ông Thắng nói.
Không chỉ kênh trực tiếp, theo Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM Nguyễn Khắc Hoàng, những tháng qua, hình thức bán hàng online rất khả quan. Điều
này cũng được đại diện Co.opmart ghi nhận khi cho biết hoá đơn mua sắm qua website mua hàng trực tuyến của SGC có xu hướng tăng nhanh về số
lượng và giá trị nửa đầu năm.
Các chuyên gia phân tích, người dân vẫn chi tiêu nhờ hai lý do chính: lạm phát có xu hướng giảm và những nỗ lực kích cầu từ các doanh nghiệp và thành phố. CPI tháng 6 của TP HCM chỉ tăng 0,17% so với tháng 5. Nếu so với cùng kỳ, tốc độ tăng CPI đã giảm dần qua các tháng.
Khi giá cả nhìn chung ổn định, các giải pháp kích cầu có hiệu quả hơn. TP HCM các tháng qua đã tổ chức nhiều chương trình hội chợ mua sắm, kết nối với các tỉnh thành để tiêu thụ hàng hoá. Tức bài toán xúc tiến thương mại trong nước đã được các cấp lãnh đạo của thành phố đặt ra và đang đẩy mạnh, bước đầu thu được những kết quả.
Sự cải thiện của dịch vụ tiêu dùng và sản xuất góp phần giúp đầu tàu kinh tế của Việt Nam tăng tốc đáng kể. Hiện khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng, khi tăng 4,96% so với cùng kỳ và đóng góp 86% vào tốc độ tăng GRDP nửa đầu năm - theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM.
Trong 6 tháng đầu năm, TP HCM cũng đạt doanh thu du lịch cao nhất nước với hơn 80.800 tỷ đồng, tăng 163% so với cùng kỳ 2019. Khách đến thành phố nửa đầu năm ước đạt hơn 18 triệu lượt, tăng 48% so cùng kỳ 2022, bằng 105% so với trước dịch.
"Tăng trưởng một phần nhờ sự đồng bộ giữa các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá của thành phố", Giám đốc Phòng tiếp thị và Truyền thông Vietluxtour Trần Thị Bảo Thu đánh giá. Đồng thời, theo bà sự phục hồi tốt của thị trường nội địa, khách quốc tế so với 2022 góp phần vào sự tăng trưởng chung.
Ngoài ra, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế thành phố là đầu tư công cũng đã khởi sắc khá nhiều so với quý đầu năm. Trụ cột này có vai trò vốn mồi, huy động đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, tạo không gian cho phát triển trong ngắn hạn lẫn lâu dài. Ví dụ, với một đoạn đường huyết mạch được mở rộng, nâng cấp, ngay lập tức, doanh nghiệp xây dựng có việc làm, doanh nghiệp bán vật liệu tiêu thụ được hàng hoá; còn dài hơi hơn, dự án sẽ giúp cải thiện đời sống của người dân, nâng cao môi trường kinh doanh.
Theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê, cứ tăng 1% giải ngân vốn đầu tư công, GDP sẽ tăng thêm 0,06 điểm %. Tính ở góc độ địa phương của TP HCM, tác động có thể lớn hơn.
Do đó, sau khi kinh tế quý I xuống đáy, Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi đã xác định rằng, lúc khó khăn phải tập trung vào những gì đang có trong tay, trong đó, đầu tư công sẽ đi đầu. Lãnh đạo ra tận các công trình hạ tầng trọng điểm "cầm tay chỉ việc".
Các dự án quan trọng được tập trung giải ngân như Vành Đai 3, Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương), nút giao thông An Phú, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, mở rộng Quốc lộ 50.
TP HCM cũng đồng thời rà soát và bổ sung vào trung hạn những công trình dự án cấp bách khác để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế mà có thể kể đến như: đoạn 1, đoạn 2 đường Vành Đai 2, cải tạo rạch Xuyên Tâm, cao tốc Mộc Bài - TP HCM.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc, với nhiều tổ công tác được thành lập, họp mỗi tuần, để tìm và gỡ vướng. Trong đó, Thành ủy TP HCM đã lập 13 tổ công tác, HĐND TP HCM cũng lập đoàn giám sát, UBND TP HCM đề ra chương trình hành động với nhiều giải pháp.
"Chưa khi nào thấy hoạt động giải ngân đầu tư công nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị thành phố lẫn người dân như thế", TS Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội nói và cho biết công tác giải phóng mặt bằng vì thế được triển khai nhanh hơn.
Sau những nỗ lực đó, bước đầu thành phố đã nhận được kết quả. Nếu giải ngân vốn đầu tư công của TP HCM quý I chỉ đạt 4% tổng mức vốn Thủ tướng giao (hơn 70.000 tỷ đồng), đến hết 29/6, thành phố đã giải ngân được 21% chỉ tiêu vốn đầu tư công và dự kiến đạt 23% vào ngày 30/6.
"Dù không đạt chỉ tiêu 35% nhưng vốn đầu tư công đã giải ngân hơn 14.000 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái chỉ gần 6.000 tỷ cũng là số lượng lớn", ông Mãi nêu tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng và nhiệm vụ giải pháp nửa cuối năm chiều 29/6.
Việc tăng đầu tư công còn được triển khai cùng lúc với nỗ lực "giải cứu" thị trường bất động sản mấy tháng qua, tạo ra hiệu ứng tích cực. Chỉ chiếm 3,7% GRDP thành phố nhưng đây là ngành có tác động lan tỏa. Một khi thị trường này khởi sắc sẽ tác động tích cực lên 40 ngành nghề khác, kéo tăng trưởng kinh tế đi lên, theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TP HCM.
Đến cuối tháng 6, thành phố có 169/189 nội dung vướng mắc từ 148 dự án bất động sản đã được chuyển giao cho các sở ngành và có thông báo tiếp nhận giải quyết. Đồng thời, đang có 9 dự án nhà ở xã hội trong quá trình triển khai, dự kiến cung cấp 6.400 căn nhà xã hội thời gian tới.
Một số doanh nghiệp bất động sản tại TP HCM gần đây cũng ghi nhận sự khởi sắc trở lại. "Đã vượt qua khó khăn và đang đi từng bước chắc chắn" là những từ mà Chủ tịch Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt (PDR) Nguyễn Văn Đạt miêu tả về tình hình của công ty hiện nay, tại phiên họp cổ đông ngày 30/6.
Ông kể, giai đoạn khó khăn cuối năm 2022 (áp lực trả nợ trái phiếu), một tài sản 3.000 tỷ đồng ông chấp nhận bán 2.000 tỷ. Tài sản gia đình,
tài sản cá nhân ông cũng bán hoặc thế chấp để có tiền giúp công ty vượt qua khó khăn.
Nhưng năm nay và năm tới, theo chủ tịch PDR, Phát Đạt sẽ hoàn thiện pháp lý nhiều dự án, tiến hành bán hàng, tất toán toàn bộ nợ ngắn hạn
(trái phiếu), chắc chắn sức khỏe
của công ty sẽ tốt dần lên.
Công ty của ông Đạt là minh chứng cụ thể của việc các doanh nghiệp ngành bất động sản đang dần thoát khỏi "cơn bĩ cực". Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây cũng cho biết các thị trường bất động sản, trái phiếu của thành phố từng bước phục hồi nhưng chưa mạnh.
Dù GRDP đang phục hồi tích cực, TP HCM vẫn có một số trụ cột còn yếu. Viện Nghiên cứu phát triển thành phố đã cảnh báo từ tháng 5, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ suy giảm và thực tế đã diễn ra. Sáu tháng đầu năm, cán cân thương mại của thành phố âm, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái; kéo theo thu từ hoạt động này giảm so với cùng kỳ.
"Chưa bao giờ chúng tôi lại khó khăn về đơn hàng như bây giờ, chạy ngược xuôi cũng chỉ có được vài đơn hàng nhỏ", một doanh nghiệp làm về gỗ nói. Người này cho biết, hàng hoá sản xuất giờ chủ yếu là từ đơn hàng cũ bởi sức mua của thị trường thế giới suy yếu.
Giới chuyên gia, doanh nghiệp cũng cảnh báo, có nguy cơ đầu tàu sẽ tiếp tục gặp khó khăn hơn do các nền kinh tế lớn trên thế giới (cũng là những đối tác thương mại quốc tế lớn của thành phố) xuất hiện các dấu hiệu bất ổn từ đầu tháng 5 và đến nay chưa có chiều hướng giảm.
Thêm vào đó, sự khác biệt trong phản ứng chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn đang gây ra biến động tỷ giá giữa các loại tiền tệ. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố.
Đến nay, đơn hàng nhiều ngành giảm 30-50%, cá biệt có nơi hụt đến 70%. Trừ một số ít nhóm ngành cơ khí nặng có đơn hàng tốt hơn. "Đơn hàng đi xuống, việc ít, thu nhập lao động giảm, đời sống khó khăn, gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội thành phố", Chủ tịch Phan Văn Mãi nói trong buổi tiếp xúc cử tri quận 4, sáng 28/6.
Việc xuất khẩu yếu khiến lao động chịu áp lực giãn hoặc mất việc. Mới đây, công ty PouYuen Việt Nam cho biết chuẩn bị chấm dứt hợp đồng lao động trong tháng 6 và tháng 7/2023 với gần 5.700 công nhân.
Để tránh rơi vào tình cảnh sa thải lao động hàng loạt, ông Quang Anh của Dony nói chẳng mặn mà với xuất khẩu lúc này nhưng "không làm thì không được". Ông cần có việc cho công nhân, giữ chân các khách hàng cũ chờ kinh tế toàn cầu khởi sắc. Để có đơn đặt ổn định và tăng, ông chấp nhận cuộc đua xuống đáy, giảm giá 5-7% cho khách hàng.
"Một đơn hàng xuất khẩu lúc thuận lợi lời 5-7% còn giờ chỉ 3%, thậm chí là hòa vốn. Bởi hiện các chi phí nguyên vật liệu đầu vào, cước phí vận chuyển, lãi vay vẫn neo ở mức cao", ông Quang Anh nói.
Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM mới đây cho biết doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn vẫn thiếu đơn hàng 30-50% tùy theo ngành nghề. Có 95% doanh nghiệp được hỏi báo lỗ và tồn kho lớn.
Để nhìn thấy sự tăng trưởng ở các chỉ số, họ cũng đánh đổi nhiều thứ, theo các doanh nghiệp. Như tại Co.opmart, để cơ bản đạt mục tiêu doanh thu 5 tháng đầu năm, họ phải tốn hơn 15-25% chi phí cho các chương trình kích cầu so với trước. Giám đốc Co.opmart không đề cập về mặt trái của đánh đổi này nhưng tại Sen Ta, ông Văn thừa nhận "chi phí đầu tư tăng khá cao nên lợi nhuận đạt được không như kỳ vọng".
Hay chuỗi nhà hàng Vua Cua, CEO Đoàn Thị Anh Thư cho biết khách đông hơn trước nhưng doanh thu không tăng. Bởi nhà hàng bà thực hiện chiến lược "bình dân hóa menu". "Đây là cách để chúng tôi có thể duy trì triển vọng mở rộng chuỗi, tiếp cận với đại chúng trong điều kiện hiện tại", bà Thư phân tích.
Thực tế, môi trường kinh doanh tại TP HCM đang cải thiện qua từng tháng, với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã thấp hơn so với doanh nghiệp mới kể từ tháng 3. Dù vậy, trung bình 6 tháng qua, cứ 10 doanh nghiệp tham gia thị trường thì có 6 không thể tiếp tục "gồng mình". Tỷ lệ này được xem là cao, theo TS Chu Thanh Tuấn, Đại học RMIT Việt Nam.
Dù kết quả là tăng trưởng nhưng việc doanh nghiệp phải "gồng lãi" (giảm biên lợi nhuận đến mức chỉ hòa vốn) để có đơn hàng sản xuất hay kéo chân người tiêu dùng dường như không phải phương kế lâu dài nếu không được tiếp sức kịp thời.
Vì vậy, theo các chuyên gia, việc cần làm ngay là ổn định thị trường trái phiếu, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi cho sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, đề nghị lãi suất cho vay cần giảm về dưới 8%, mức trên 10% hiện tại không phù hợp để doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh.
Để tiếp tục trợ lực cho doanh nghiệp và giữ đà phục hồi, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS) cho rằng trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó, thành phố cần tập trung khai thác thị trường nội địa bằng các chương trình khuyến mại, liên kết kích cầu, thương mại - du lịch, mở rộng tín dụng tiêu dùng.
"Kích thị trường nội địa lúc này là cực kỳ quan trọng", TS Trần Hoàng Ngân đồng tình. Ngoài ra, theo ông, cần hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cơ chế liên kết với ngân hàng, xử lý nhanh hơn các thủ tục thuế, hải quan, phòng cháy chữa cháy.
Công cụ đầu tư công cũng được nhiều chuyên gia tán đồng trong bối cảnh sản xuất và xuất khẩu phần nhiều nằm ngoài tầm kiểm soát của địa phương, do phụ thuộc vào nhu cầu thế giới. Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM, cho rằng cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để sớm đưa các công trình, dự án vào hoạt động. Đặc biệt, chú trọng giải ngân các dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng, có tác động lan tỏa cao như dự án metro số 1, metro số 2, đường Vành đai 3, nhà ga T3, đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài.
"Thành phố đang tích cực giải ngân đầu tư công và mời gọi các nhà đầu tư. Cả bộ máy đang chạy hết tốc lực, kỳ vọng thời gian tới TP HCM sẽ có chuyển biến tích cực", Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nói.
Nhận định tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng và nhiệm vụ giải pháp nửa cuối năm chiều 29/6, Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi dự báo nếu nửa cuối năm thuận lợi và "nỗ lực hết sức" bằng tăng đầu tư công, kích cầu thương mại - du lịch, hỗ trợ xuất khẩu và giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp thì tăng trưởng GRDP thành phố 2023 khả quan nhất có thể đạt 7%, tức chỉ tiệm cận mục tiêu 7,5-8%.
Theo phân tích của TS Trần Du Lịch, trước mắt tăng trưởng trong nửa cuối năm phần lớn phụ thuộc vào tự thân nền kinh tế, với khả năng tự "chòi - đạp" của doanh nghiệp. Những chính sách của các cơ quan quản lý tại TP HCM trong thời gian còn lại sẽ có độ trễ tác động nhất định, có thể từ năm sau. Bằng các quyết sách lúc này, đầu tàu sẽ có nền tảng tốt để bật lên trong dài hạn.
Vì vậy, ông Lịch đề xuất chính quyền tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình - dự án trọng điểm như dự án cụm cảng biển Cần Giờ, dự án trung tâm sáng tạo khởi nghiệp, chốt phương án chuyển đổi 5 khu công nghiệp, sớm đưa vào hoạt động dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ngay năm nay. Ngoài ra, phải rà lại mục tiêu chương trình chuyển đổi số, phát triển dịch vụ công; bên cạnh việc nghiên cứu chính sách kinh tế xanh, tuần hoàn.
"Còn khó khăn nhưng TP HCM còn nhiều cơ hội và nhiều dư địa phát triển trong giai đoạn mới", ông Lịch nói.
TS Chu Thanh Tuấn cũng cho rằng địa phương nên trở thành đầu tàu kinh tế bằng cách tập trung vào việc phát triển tri thức, công nghệ mới và phát triển bền vững.
Một chìa khóa để thực hiện tầm nhìn đó đã được trao. Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 98 về phát triển TP HCM với hơn 40 cơ chế, chính sách, đặc thù. Ông Ngân cho rằng khi Trung ương giao quyền tự quyết mạnh hơn cho TP HCM thông qua cơ chế đặc thù sẽ giúp thành phố có sự tự chủ cao hơn.
Cả hệ thống chính trị đang chạy đua hiện thực hóa Nghị quyết 98 để trợ lực ngay cho nền kinh tế. Dự kiến ngày 7/7, Thành ủy TPHCM sẽ tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết 98 và lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban, đồng thời lập các tổ tư vấn, tổ thư ký, công tác để triển khai.
Ngay tại phiên họp sơ kết nửa năm hôm 29/6, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu các đơn vị, sở ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ để thực hiện Nghị quyết 98. "Cần hết sức tập trung để khi nghị quyết có hiệu lực ngày 1/8 thì hành động ngay", ông Mãi nhấn mạnh.
"Với vai trò đóng góp hơn 25% tổng ngân sách của cả nước, việc TP HCM hồi phục sẽ có tác động lớn đến cả nước", Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân đúc kết.
Viễn Thông - Đức Minh - Thi Hà
Đồ họa: Tất Đạt