Với yêu cầu khởi động nhiều, dòng điện lớn, ôtô ngày nay thường sử dụng ắc-quy chì như là một nguồn cung cấp điện khi động cơ không hoạt động. Dung dịch axít bên trong thường là loại có khả năng phá hủy cao, có thể gây cháy da khi tiếp xúc. Do đó bình thường làm kín, chỉ có 2 đầu điện cực nhô lên. Tuy nhiên axít vẫn có thể trào ra ngoài nếu bình nứt vỡ hoặc dung dịch quá đầy.
Theo nghiên cứu của Prevent Blindness America, tại Mỹ năm 2003 có tới 6.000 trường hợp gặp tổn thương ở mắt liên quan tới ắc-quy. Vì thế hãy sử dụng kính và đeo gang tay khi làm việc với bình điện.
Ắc-quy có thể tạo ra khí hydro, đây là loại khí dễ bén lửa khi chúng thoát ra ngoài. Vì thế tàn thuốc đỏ hoặc tia lửa điện gần khu vực bình có thể là nguyên nhân phát sinh cháy, nổ.
Dây đỏ nối với cực dương, dây đen nối với cực âm |
Các bước tiến hành kích khởi động an toàn
Khởi động là thời điểm mà ắc-quy bị ngốn nhiều điện nhất. Dòng khởi động có thể lên tới hàng trăm ampe. Bên cạnh đó, ắc-quy còn phải cung cấp năng lượng cho hệ thống đánh lửa và các hệ thống điều khiển điện tử khác. Bình điện yếu khiến trục khuỷu không đạt được tốc độ cần thiết để động cơ khởi động, lúc này cần kích từ bên ngoài.
Trong trường hợp sử dụng bình từ một xe khác, hãy tránh cho 2 xe chạm nhau. Để kết nối, cần 2 dây dẫn chịu tải lớn, tốt nhất là loại chuyên dụng vì chúng thường có đầu kẹp chắc chắn, hạn chế phát sinh tia lựa điện và có 2 màu phân biệt, thường là đỏ và đen. Dây đỏ nên dùng để đấu dương, dây đen đấu âm. Việc sử dụng hỗn loạn dễ nhầm lẫn, gây hư hại cho ác-quy, hệ thống điện trên xe.
Quy trình đối nối được thực hiện thành một vòng tròn, bắt đầu từ cực dương ắc-quy yếu.
1. Gắn một đầu đầu dây đỏ với cọc dương của ắc-quy chết. Cọc dương của ắc-quy thường to hơn cực âm, có ký hiệu là dấu (+). Một số trường hợp bạn cũng có thể phân biệt bằng nắp đẩy phía trên, màu đỏ tương ứng với cọc dương.
2. Nối đầu còn lại của dây đỏ với cọc dương của ác-quy kích. Đừng ngại khi phải di chuyển nhiều lần. Vì đây là biện phát tốt hạn chế chập cháy dù trong bất kỳ trường hợp nào.
3. Gắn một đầu dây đen với cọc âm của ắc-quy kích.
4. Nối đầu đây đen còn lại với bộ phận bằng kim loại không sơn trên thân động cơ. Đầu trực tiếp đầu dây này với cọc âm của ắc-quy chết có thể phát sinh tia lửa điện, kết hợp với khí hydro tạo ra gây cháy, nổ.
Trên một số dòng xe bố trí bình điện ở khu vực khó tiếp cận, thường có thêm đầu kết nối với ắc-quy kích. Trong trường hợp này không nên lạm dụng cách đối nối trực tiếp với bình mà hãy dùng đầu kết nối.
5. Nếu sử dụng ắc-quy của một xe khác để kích nổ. Sau khi thực hiện tuần tự 4 bước trên, hãy khởi động xe này và cho động cơ ở tốc chế độ không tải nhanh (1.200 - 1.500 vòng/phút) trong vài phút. Điều này giúp nạp thêm điện cho ắc-quy yêu, đồng thời giảm được dòng điện phóng từ ắc-quy kích sang ắc-quy chết.
6. Bây giờ bạn có thể khởi động xe (có ắc-quy chết). Nếu bình không bị nứt vỡ, dây dẫn tốt, và không có vấn đề gì với máy khởi động, hệ thống đánh lửa thì xe sẽ khởi động được.
7. Ngay khi động cơ khởi động, hãy ngắt kết nối dây kích với bình. Đừng để 2 đầu dây chạm vào nhau hoặc dây dương chạm vào thân xe.
8. Duy trì cho động cơ chạy chừng 20 - 30 phút, trong thời gian này hãy tắt đèn, máy sưởi, điều hòa và các thiết bị điện khác để tất cả điện năng từ máy phát dồn vào nạp cho ác-quy.
Nếu xe chết máy một thời gian ngắn sau khi ngắt khỏi ắc-quy kích điều này có nghĩa rằng điện đã không được nạp vào ắc-quy chết. Vấn đề có thể do máy phát, bộ điều áp, dây dẫn hoặc ắc-quy cạn nước hoặc hỏng.
>> Xem video thao tác thực tế |
Thế Hoàng