Gia đình Lê Anh Tuấn, 28 tuổi, chồng của cô gái Thái Natthaya (thường gọi là Nat) là trưởng họ nên đầu xuân, họ hàng nườm nượp đến chúc Tết. "Vợ tôi là dâu ngoại, lại nói tiếng Việt giọng lơ lớ như trẻ con, ai cũng mến nên hay mừng tuổi nên cô ấy thích Tết lắm", anh Anh Tuấn nói.
Năm 2016, Nat và chàng trai quê Như Thanh, Thanh Hóa nên duyên vợ chồng. Từ đó, cô gái Thái năm nào cũng về ăn Tết Việt. "Tôi thích giò lụa, bún chả, bún đậu mắm tôm với bánh mỳ", Nat kể.
Năm đầu làm dâu, Nat chỉ ăn được các món này, nhưng giò lụa ăn mãi cũng chán, các món khác hàng quán bán đều đóng cửa. Chồng và bố mẹ chồng phải tỏa đi khắp nơi tìm nguyên liệu làm bún đậu mắm tôm cho nàng dâu ngoại.
Khi quay lại Thái Lan sống và làm việc, Anh Tuấn dạy vợ cách làm giò lụa, chả. Năm sau về Việt Nam, Nat tự vào bếp chế biến. "Mẹ chồng tôi giật mình vì chỉ một năm mà tay nghề con dâu thay đổi quá nhanh", nàng dâu người Thái Lan nói.
Đến nay Nat đã thành thạo mọi việc nhà chồng và món Việt nào cũng có thể ăn. Tết này, nhà chồng có nghề bán lá chuối, lá dong, nguyên liệu làm bánh... nên nàng dâu Thái phụ bày hàng, đứng bán. "Vợ tôi biết làm kinh tế như một cô con dâu Việt, lại giỏi việc cơm nước hàng ngày, mẹ quý lắm", anh chồng tự hào, nói.
Năm nay, gia đình Anh Tuấn gói thêm vài chục bánh chưng để thông gia bên Thái Lan lần đầu sang ăn Tết. Nat và bố mẹ cô đều là fan của bánh chưng nên nhà anh làm nhiều để đãi và biếu tặng khi ông bà về lại Thái Lan.
Lần thứ hai về quê chồng ăn Tết, Shiho, nàng dâu người Nhật tập vặt lá mai, chăm đàn gà và tưới rau để chuẩn bị cho những bữa tiệc tân niên.
Cô vợ được chồng, anh Bùi Hồ (32 tuổi, Vĩnh Long) chỉ những nụ mai đang nằm im lìm trên cành, cách ngắt lá thế nào, tưới nước ra sao để hoa kịp bung nở đúng độ xuân sang. "Đây là lần thứ hai tôi ăn Tết nhà chồng. Lần trước chỉ 'cưỡi ngựa xem hoa', còn lần này tôi dự định sống luôn ở Việt Nam nên chăm chỉ học hỏi hơn", Shiho nói.
Shiho chưa từng biết tới ngày Tết của Việt Nam cho đến khi nghe Hồ, chàng trai quê Vĩnh Long giới thiệu. Họ quen biết nhau nhờ làm cùng một công ty ở Nhật Bản, yêu nhau và nên duyên sau những đồng cảm, chia sẻ về áp lực công việc lẫn cuộc sống.
"Tết Việt Nam rất rộn ràng. Ở quê chồng dịp này thường mở nhạc rất to, ăn uống trước cửa nhà, ai ngang qua cũng mời vào ăn cùng", Shiho nói những điều làm cô thấy thú vị khi lần đầu ăn Tết Việt, năm 2020. Ở Nhật, mọi người thường khép kín và giữ khoảng cách, ít gắn bó như người dân quê chồng.
Vào những ngày cuối năm, Shiho theo mẹ chồng đi chợ quê sắm Tết. Tràn khắp khu chợ nhỏ là màu đỏ của lì xì và đồ trang trí, màu xanh của rau trái. Người ở quê hầu hết biết mặt nhau, hỏi thăm, trò chuyện rôm rả. "Tôi là tâm điểm chú ý vì là người nước ngoài. Lúc đầu ai nhìn tôi cũng ngại, nhưng thấy vẻ mặt vui tươi, thân thiện của mọi người tôi lại thích thú", cô nói.
Ngày xuân, mâm cỗ bày ra có thịt kho tàu, dưa kiệu, cải chua, khổ qua dồn thịt, Shiho đều háo hức thưởng thức. Cô thích nhất món khổ qua nên tự chế biến được món này. "Cô ấy cũng làm được thịt kho tàu nhưng không ngon, cũng chẳng đẹp mắt gì cả", anh chồng nói vui.
Yêu mến Tết Việt và văn hóa người miền Tây Việt Nam, khi chồng muốn về nước sống, Shiho ủng hộ anh. "Chúng tôi muốn Homi, con gái hơn hai tuổi biết nói tiếng Việt, hiểu truyền thống của cả hai đất nước", Shiho cho hay.
Không dễ thích nghi với văn hóa nhà chồng, A-ra mất ăn mất ngủ khi lần đầu về quê chồng ăn Tết, năm 2018. "Tôi sinh ra và lớn lên ở Seoul, khi sang Việt Nam cũng chỉ đi siêu thị. Ra chợ quê, thấy người ta bày ra những phản thịt lớn, giết gà vặt lông... khiến tôi sợ", cô kể.
Ba ngày xuân, họ hàng nườm nượp kéo đến nhà chồng A-ra chơi, háo hức hỏi chuyện nàng dâu mới. Tiếng là cô gái Hàn biết tiếng Việt, nhưng những người xung quanh nói nhanh, nói liên tục, cô gái không hiểu và đôi chút lạc lõng.
Ở nhà chồng Tết đều làm cơm cúng tổ tiên, họ hàng vài chục người cùng đến ăn uống. "Bát đũa xếp cả chồng, phụ nữ phải ngồi rửa bát, tôi cũng rửa, đau lưng lắm", cô kể. Cô vợ Hàn Quốc góp ý với chồng. Thương vợ và thấy có lý, anh Minh Đức đặt gà, lợn làm sẵn về chế biến, bàn với bố mẹ giảm bớt mâm cỗ để phụ nữ trong nhà có nhiều thời gian nghỉ ngơi, vui chơi.
Những Tết sau, A-ra thích thú khi được chồng dẫn đi chơi nhiều nơi. Cô cũng tập ăn vài món truyền thống ngày Tết của người Việt như nem rán, giò lụa. Quen dần với những dịp tụ họp, thân thiết với họ hàng nhà chồng, A-ra giờ háo hức với những buổi đoàn tụ ngày đầu năm.
Tuy không phải rửa bát, sửa soạn đồ Tết, nhưng chị Alena Famova, 54 tuổi, nàng dâu người Czech cho rằng đó là những việc nên giản lược để ngày xuân Việt không trở thành gánh nặng cho phụ nữ trong các gia đình. Chị đưa ra ba giải pháp để phụ nữ được thảnh thơi ngày xuân là thuê dịch vụ nấu cỗ, thuê giúp việc hoặc đàn ông phải phụ giúp vợ nhiều hơn.
"Nghi thức cúng tổ tiên, các thành viên trong gia đình cùng ăn uống vào ngày đầu năm mới rất vui, nhưng tốn nhiều thời gian", người phụ nữ làm dâu Việt 35 năm, nói.
Là nàng dâu trong gia đình Hà Nội gốc, chị Alena được trải nghiệm cái Tết giàu thủ tục truyền thống nhất của người Tràng An. Chị bất ngờ khi Tết Việt được chuẩn bị công phu, đường phố, nhà cửa đều trang hoàng kỳ công, đẹp mắt. Alena thích ngắm phụ nữ trong những tà áo dài, trẻ già cùng tụ họp chúc mừng năm mới. "Ở đất nước chúng tôi, ngày lễ lớn nhất là Noel, dịp này mọi người tặng nhau quà, còn ở Việt Nam tặng phong bao có tiền", chị nói.
Ăn ba cái Tết Việt, nhưng năm nay, khi được hỏi về ý nghĩa của bao lì xì, chị Alena vẫn không rõ. "Tôi cứ nghĩ người ta tặng tiền nhau để mua quà, thay vì tặng thẳng quà. Chồng giải thích tôi mới biết đó là đồng tiền gửi gắm may mắn", chị cười nói.
Alena rất tự hào khi được làm dâu một đất nước giàu truyền thống. "Bạn bè tôi nói tôi nên hãnh diện vì có nhà chồng là người Việt Nam", người vợ nhìn chồng, âu yếm nói.
Năm nay là năm đầu tiên Anita, cô gái Ukraine làm dâu Việt Nam. "Tôi rất hào hứng và đã chuẩn bị áo dài trước đó cả tháng. Tết Việt Nam rất khác với những gì tôi đã quen thuộc", cô nói.
Anita và Đức Anh (30 tuổi, Hà Nội) quen nhau qua một người bạn chung, năm 2020. Đồng cảm để cùng nhau vượt qua những khó khăn lớn nhất đời là đại dịch và nỗi đau chiến tranh Nga- Ukraine, họ nên duyên vợ chồng.
Tết này, Đức Anh sẽ đưa cô người mẫu ngoại quốc về ra mắt ông bà ngoại ở Hạ Long và nhà nội ở Thái Bình. Anh chồng Việt cùng vợ đi thăm các ngôi chùa Việt Nam, kể cho cô nghe về các phong tục ngày Tết để thêm trải nghiệm.
Anita cho biết, quê hương Ukraine của cô có rất nhiều ngày lễ, nhưng quan trọng nhất là lễ hội mừng năm mới. "Nếu không có chiến tranh, chúng tôi sẽ tụ tập với gia đình, bạn bè, chuẩn bị các món ăn, uống champagne đếm ngược khoảnh khắc chuyển giao và ước nguyện", cô gái nói, giọng trùng xuống.
Ở bên chồng, được tận hưởng những giây phút ý nghĩa nhất của quê hương anh, cô ước mơ bình an sẽ đến với Ukraine. "Tôi mong chiến tranh sớm kết thúc để được cùng chồng và gia đình mình ăn mừng năm mới ở đất nước tôi vào năm sau", Anita cầu nguyện.
Phạm Nga - Phạm Linh