Pertamia thêm dầu Urals và Sokol của Nga, bên cạnh nhiều loại khác vào danh sách đấu thầu giao tháng 9 cho nhà máy lọc dầu Cilacap. Giới chức đã thực hiện 2 phiên đấu thầu cuối tuần trước và đầu tuần này, nhưng kết quả chưa được công bố.
Pertamia đã không mua dầu Nga nhiều năm qua. Lần cuối cùng họ mua dầu ESPO Blend và Sokol từ Nga là hơn 10 năm trước, theo dữ liệu của hãng dịch vụ tài chính LSEG.
Indonesia không tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga. Năm 2022, Pertamia từng cho biết đánh giá các rủi ro của việc mua dầu Nga, sau khi họ được chào mua với chiết khấu 30%. Tổng thống Indonesia Joko Widodo khi đó cũng trả lời Financial Times rằng họ cân nhắc mua dầu Nga để đối phó sức ép giá năng lượng ngày càng tăng.
Dù vậy, nguồn tin của Reuters cho biết Pertamia có thể chỉ mua dầu Nga nếu nó được bán dưới 60 USD một thùng - giá trần theo lệnh trừng phạt của phương Tây.
G7, Liên minh châu Âu (EU) và Australia áp dụng trần giá bán dầu thô là 60 USD một thùng từ tháng 12/2022. Theo đó, họ cấm các công ty cung cấp dịch vụ hàng hải như bảo hiểm, tài chính và vận chuyển cho dầu Nga được bán trên mức này.
Hermansyah Nasroen - người phát ngôn của Pertamia hôm 23/7 cho biết nhà máy này sẽ mua loại dầu thô phù hợp với cơ sở vật chất hiện tại, mà vẫn tuân thủ các quy định liên quan. "Nếu chúng tôi mua dầu thô của Nga, giá sẽ dưới mức trần", ông nói.
Vài năm qua, các lệnh trừng phạt của phương Tây lên lĩnh vực năng lượng của Nga, trong đó có lệnh cấm vận dầu thô và cơ chế giá trần, đã khiến Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ trở thành người mua chính của sản phẩm này. Indonesia từng là thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Năm 2016, họ rời OPEC và trở thành nước nhập khẩu ròng dầu thô.
Hà Thu (theo Reuters)