"Tất nhiên, chúng tôi luôn đánh giá tất cả lựa chọn, nếu có nước nào đó đưa ra mức giá tốt hơn", ông Widodo trả lời trong cuộc phỏng vấn với Financial Times khi được hỏi liệu Indonesia có dự định mua dầu Nga hay không, "Chính phủ có nhiệm vụ tìm nhiều nguồn nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu của người dân. Chúng tôi phải tìm ra giải pháp nào đó".
Nhiều năm nay, Indonesia không nhập nhiều dầu Nga. Dù vậy, quốc gia này đang đứng trước sức ép phải kiềm chế giá cả.
Đầu tháng này, Tổng thống Indonesia tăng giá các loại nhiên liệu được trợ cấp thêm 30%. Ông nói rằng đây là "lựa chọn cuối cùng" của mình, do áp lực tài khóa. Dù vậy, việc này vẫn vấp phải sự phản đối của người dân.
Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Lạm phát tháng trước của nước này là 4,69% - tháng thứ 3 liên tiếp cao hơn mục tiêu của ngân hàng trung ương là 2-4%, chủ yếu do giá thực phẩm cao.
Hồi tháng 8, Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno cho biết Nga đã đề xuất giảm giá 30% dầu bán cho Indonesia. Sau việc này, hãng dầu quốc doanh Pertamina cũng thông báo đang xem xét các rủi ro của việc mua dầu Nga. Nếu mua dầu Nga trên giá trần mà các nước G7 muốn áp, Indonesia có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ngày 2/9, Bộ trưởng Tài chính các nước G7 đã đồng ý kế hoạch áp trần giá dầu Nga xuất khẩu. Mục đích là hạn chế khả năng Nga cấp tiền cho chiến dịch quân sự tại Ukraine, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng khi giá năng lượng tăng vọt.
Dù vậy, giới phân tích nghi ngờ tính thống nhất của đề xuất này. Họ cũng cảnh báo chính sách trên phản tác dụng nếu khách mua chủ chốt của dầu Nga, như Trung Quốc hay Ấn Độ, không tham gia.
Hà Thu (theo Reuters, FT)