Cục Hải sự Trung Quốc mới đây ra thông báo giàn khoan có tên Hải Dương 981 (HD-981) sẽ tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc – 111o12’06” kinh Đông từ ngày 02/5 đến 15/8. Giàn khoan thuộc sở hữu của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC), doanh nghiệp lớn nhất nước này trong lĩnh vực khai thác dầu khí.
Ảnh: HD-981 sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác |
CNOOC không giấu giếm ý đồ thọc sâu vào vùng Biển Đông từ vài năm trước. Tháng 6/2012, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết doanh nghiệp Trung Quốc đã công khai mời thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Các lô mà Trung Quốc mời thầu nằm trên khu vực rộng hơn 160.000 km2, chồng lên khu vực PVN đang tiến hành các hoạt động dầu khí lâu nay. Vùng biển Trung Quốc gọi thầu chỉ cách bờ biển Quảng Ngãi 76 hải lý (hơn 140 km), cách phía bắc Nha Trang 60 hải lý (hơn 105 km) và cách đảo Phú Quý 30 hải lý (55 km).
Đến tháng 8/2012, Bloomberg dẫn lại thông tin từ trang chủ của CNOOC cho hay đơn vị này lại mời thầu dầu khí ở Biển Đông với 22 lô. Trong đó, lô mang số hiệu 65/12 chỉ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 50 km, và rất gần lô 65/24 từng được Trung Quốc mời thầu trước đây và bị Việt Nam phản đối mạnh mẽ.
Cùng năm, Trung Quốc tuyên bố chi 15,1 tỷ USD để mua lại công ty dầu khí Nexen Inc (Canada). Reuters dẫn lời chuyên gia Bonnie Glaser ở trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Mỹ) cho rằng thương vụ thâu tóm Nexen sẽ mang lại cho Trung Quốc công nghệ khoan nước sâu, giúp CNOOC chuyển hoạt động từ các vùng biển nước nông và sâu vừa sang các vùng biển nước sâu, nơi nước này đang tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Việt Nam và các quốc gia khác. Bà cảnh báo sau khi thâu tóm, thông qua Nexen, CNOOC có thể đi xa hơn bằng cách mua các gói mời thầu của chính mình ở Biển Đông.
Chuyên gia Mikkal Herberg, giám đốc Chương trình Nghiên cứu an ninh năng lượng ở văn phòng Quốc gia về nghiên cứu châu Á (Mỹ) cho rằng thương vụ thâu tóm Nexen hứa hẹn mang lại cho CNOOC những kiến thức quản lý công nghệ và hoạt động phức tạp, nhằm thăm dò dầu khí nước sâu ở biển Đông.
Vụ thâu tóm Nexen cũng từng vấp phải nhiều phản đối từ người dân Canada. Nhiều người lo sợ CNOOC có ưu thế bất công về mặt cạnh tranh nhờ được nhà nước hỗ trợ, số khác e ngại việc chính quyền nước ngoài có thể giành quyền kiểm soát nguồn tài nguyên của Canada. Thương vụ này còn xuất hiện một số cáo buộc giao dịch bất hợp pháp khiến tài sản của các bên liên quan bị Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) phong tỏa.
Tuy nhiên, vụ mua lại Nexen từ Canada cũng chỉ là một phần trong chiến lược bành trướng năng lượng của CNOOC cũng như Trung Quốc. Năm 2005, công ty này từng tìm cách mua lại Tập đoàn dầu khí Unocal của Mỹ với giá 18,5 tỷ USD nhưng bất thành. Một hãng năng lượng khác cũng thuộc chính phủ Trung Quốc là Sinopec Group cũng mua 49% cổ phần của Talisman Energy Inc, một công ty năng lượng khác của Canada có tài sản ở vùng Biển Bắc (Anh) với giá 1,5 tỷ.
Theo trang CNTV, một nửa lượng dầu mỏ tiêu thụ tại Trung Quốc là nhập khẩu nên quốc gia đông dân nhất thế giới rất muốn mở rộng nguồn năng lượng trên đất liền cũng như dưới lòng biển để đáp ứng nền kinh tế.
Video: Trung Quốc đưa HD-981 vào hoạt động năm 2012 |
|
Riêng về HD-981, Chủ tịch CNOOC Wang Yilin cho biết công ty xem sự có mặt của giàn 981 là một cơ hội tốt để tăng cường nỗ lực khai thác dầu dưới biển, đồng thời đảm bảo chương trình an ninh năng lượng quốc gia.
Đây là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi, có chiều dài 114 m, chiều rộng 89 m và chiều cao 117 m, nặng 31.000 tấn. Độ sâu hoạt động tối đa là 3.000 m và độ khoan sâu tối đa là 10.000 m. HD-981 được đưa vào Biển Đông lần đầu tiên tháng 5/2012 từ bờ nam Hong Kong. Tập đoàn đóng tàu quốc gia Trung Quốc là đơn vị xây dựng giàn khoan trên với tổng kinh phí gần một tỷ USD trong thời gian 3 năm.
Biển Đông là vùng quan trọng bậc nhất về tài nguyên khí gas tự nhiên và sản xuất dầu mỏ của CNOOC, mang về cho Trung Quốc hàng chục triệu tấn dầu mỗi năm. CNOOC lên kế hoạch đầu tư 200 tỷ nhân dân tệ (hơn 32 tỷ USD) và khoan 800 giếng dầu tại đây, mục tiêu đạt 500 triệu tấn dầu đến năm 2020.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan HD-981 nêu trên nằm hoàn toàn trong vùng đặcquyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. "Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối", ông Lê Hải Bình tuyên bố. |
Anh Quân