Libra có trữ lượng khoảng 12 tỷ thùng dầu - tương đương 3 năm tiêu thụ của Trung Quốc, giới chức Brazil ước tính. Ngoài các doanh nghiệp Trung Quốc, Royal Dutch Shell và Total cũng tham gia đấu thầu, Bloomberg cho biết.
Ông Ivan Cima - Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực Mỹ Latin tại Wood Mackenzie cho biết: "Đây là cơ hội quá lớn và hấp dẫn đối với họ". Dĩ nhiên, chỉ một nhà thầu mới có quyền khai thác tại Libra. Đây là nơi nằm trong khu vực khám phá ra nhiều mỏ dầu lớn nhất thế giới trong thế kỷ 21. Giành quyền khai thác sẽ giúp Trung Quốc hiện thực hóa việc thay đổi chiến lược, từ đầu tư vào các mỏ dầu đang vận hành sang khai thác và phát triển ngay từ đầu một mỏ mới tại Mỹ Latin.
Các công ty quốc doanh Trung Quốc có ít kinh nghiệm trong việc khoan dầu ở các vùng nước sâu. Vì thế, họ sẽ phải hợp tác với công ty quốc doanh của Brazil - Petroleo Brasileiro (Petrobras) - hãng sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới ở độ sâu hơn 300m. Brazil đã yêu cầu Petrobras nhận ít nhất 30% mỏ dầu này.
"Các công ty Trung Quốc thường trả nhiều hơn nếu họ được trực tiếp sản xuất, thay vì chỉ đầu tư", Caio Carvalhal, nhà phân tích dầu mỏ tại JPMorgan Chase cho biết. Các nhà thầu quốc doanh cũng sẽ cảm thấy hấp dẫn hơn nếu làm việc cùng Petrobras, hơn là các hãng khoan dầu tư nhân, ông đánh giá. Bên cạnh đó, không công ty Mỹ nào nộp hồ sơ đấu thầu lần này.
Các nhà thầu tiềm năng khác là Ecopetrol (Colombia), Mitsui (Nhật Bản), Oil & Natural Gas (Ấn Độ), Petroliam Nasional (Malaysia) và liên minh Sinopec - Galp Energia - Repsol. Dù Petrobras đã tự động có một suất trong liên minh thắng thầu, họ vẫn được quyền đấu thầu độc lập. Các nhà thầu vẫn chưa công bố đối tác họ muốn liên doanh.
Theo giới chức Brazil, hãng thắng thầu sẽ được phép khai thác trong 35 năm với 12 - 15 giàn khoan ngoài khơi. Công suất dự kiến đạt tối đa trên 1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Họ cũng ước tính mỏ dầu này sẽ cần đến 185 tỷ USD tiền đầu tư.
Thùy Linh