Tháng trước, cụ ông 85 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, vào Bệnh viện Gia An 115 (TP HCM) cấp cứu sau bốn ngày rối loạn tiêu hóa, mỗi ngày đi đại tiện khoảng 4-8 lần, phân đen có lẫn chút máu. Cách đó hai tháng ông bắt đầu đại tiện nhiều lần trong ngày, trong phân có lẫn ít máu, nghĩ do ăn không tiêu.
Ông bị ung thư đại tràng giai đoạn ba, phát hiện khối u từ năm ngoái. Người nhà lo lắng tình trạng tuổi tác cao, thể trạng yếu của ông cụ nên không điều trị triệt để.
Lần này nhập viện, bác sĩ chỉ định các cận lâm sàng như sinh hóa máu, siêu âm ổ bụng, CT scan bụng có cản quang... Kết quả bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa dưới, thiếu máu, khối u gây hẹp lòng đại tràng, choán chỗ thành đại tràng ngang.
"Nếu không xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể gặp nhiều nguy cơ như mất máu nặng dẫn đến tử vong, tắc ruột do u đại tràng xâm lấn, suy kiệt nặng, suy dinh dưỡng nặng...", bác sĩ Nguyễn Thế Toàn, Phó Khoa Ngoại cho biết. Bệnh nhân đã cao tuổi, có bệnh lý ung thư, thể trạng sức khỏe yếu, các nguy cơ càng nặng nề hơn.
Sau khi truyền máu, dinh dưỡng ổn định, các bác sĩ phẫu thuật nội soi cắt đoạn đại tràng ngang mang u. Đoạn đại tràng ngang bị cắt dài khoảng 15 cm, không ảnh hưởng đường tiêu hóa. Bệnh nhân xuất viện, vừa tái khám với sức khỏe ổn định, da mặt hồng hào, ăn uống bình thường, hoạt động tốt.
Bác sĩ Toàn cho biết trong gần 20 năm làm việc, ông gặp khá nhiều trường hợp chủ quan khi đi tiêu phân đen. Thực tế phân đen cảnh báo tình trạng xuất huyết tiêu hóa, nhất là ở những bệnh nhân đang có khối u đường tiêu hóa.
Theo bác sĩ Toàn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tính chất phân, phân lẫn máu, phân có nhày, nhớt, thức ăn chưa tiêu hóa hoàn toàn... Điều này cảnh báo một số bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày - tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa...
"Nếu loại trừ nguyên nhân do thực phẩm, phân đen có thể là triệu chứng của nhiều bệnh, rối loạn khác nhau như do nhiễm trùng, chấn thương, viêm, khối u ác tính...", bác sĩ Toàn cho biết.
Phân đen có thể xuất hiện kèm theo một số triệu chứng khác như đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi hoặc chứng khó tiêu, buồn nôn và ói mửa, vàng da, đau hoặc cảm giác nóng rát trực tràng, giảm cân không chủ ý...
Bác sĩ Toàn khuyến cáo người bệnh không chủ quan, nên đi khám để bác sĩ chẩn đoán và đưa phương án điều trị phù hợp. Cần đi khám ngay lập tức, tránh nguy hiểm tính mạng nếu rối loạn tính chất phân kèm theo các triệu chứng như thay đổi tri giác, thay đổi trạng thái tâm thần hoặc thay đổi hành vi đột ngột, mê sảng, hôn mê, ảo giác, chóng mặt, sốt cao, đau bụng dữ dội, khó thở, thở dốc, tiêu chảy nặng, nôn ói ra máu...
Những bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa, khi xuất hiện triệu chứng phân đen, không nên chần chừ đi khám vì triệu chứng này có thể cảnh báo xuất huyết tiêu hóa và khối u đã tiến triển, xâm lấn, gây hẹp ống tiêu hóa. Để càng lâu, tình trạng này càng nguy hiểm tính mạng.