Bác sĩ Nguyễn Thị Hiền - Chuyên khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cho biết ung thư cổ tử cung đứng thứ ba trong nhóm bệnh ung thư gây tử vong cao nhất ở phụ nữ, sau ung thư vú và ung thư buồng trứng.
Cổ tử cung là một phần thuộc tử cung, nơi nối tiếp của âm đạo với tử cung, được bao phủ một lớp mô mỏng gồm nhiều tế bào. Bệnh ung thư cổ tử cung gây ra bởi sự phát triển bất thường, không kiểm soát của các tế bào ở cổ tử cung. Các tế bào phát triển nhanh chóng và tạo ra khối u trong cổ tử cung.
Hầu hết trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm Papillomavirus (HPV). Có rất nhiều loại HPV, trong đó chủ yếu là virus HPV type 16, 18. Virus HPV có thể lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc da với da, lây truyền qua quan hệ tình dục, bao gồm cả âm đạo, hậu môn, quan hệ tình dục bằng miệng hoặc tay. Bệnh cũng hay gặp ở những người có nhiều bạn tình, quan hệ sớm (dưới 18 tuổi), đẻ nhiều lần, gia đình có tiền sử ung thư, mắc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục...
Ung thư cổ tử cung thường phát triển âm ỉ trong một thời gian dài, khoảng vài năm. Trong thời gian này, các tế bào ở cổ tử cung sẽ biến đổi một cách bất thường do sự thay đổi môi trường âm đạo hoặc do nhiễm HPV. Sự biến dạng của những tế bào này xảy ra trước khi ung thư xuất hiện được gọi là loạn sản hoặc viêm lộ tuyến cổ tử cung.
Theo bác sĩ Hiền, ở giai đoạn đầu, các tế bào ung thư chỉ mới hình thành ở lớp bề mặt, chưa phát triển vào sâu trong các mô, hầu như không có triệu chứng gì, chị em không thể nhận biết mình mắc bệnh nếu không đi khám.
Ở giai đoạn muộn, một trong dấu hiệu phổ biến là chảy máu âm đạo bất thường, tức chảy máu âm đạo ở những ngày không phải chu kỳ kinh nguyệt. Mức độ xuất huyết ở âm đạo có thể khác nhau với mỗi người phụ nữ.
Những dấu hiệu khác như tiết dịch âm đạo bất thường với lượng huyết trắng nhiều, thay đổi cả về tính chất, có mùi và kèm theo sự thay đổi trong màu sắc. Bệnh nhân thấy đau vùng chậu và lưng. Khi bệnh chuyển biến nặng hơn, cơn đau sẽ tiếp tục lan xuống chân và gây ra hiện tượng sưng phù ở hai chân. Một số trường hợp cơ thể rò rỉ nước tiểu ngay cả khi hắt hơi, vận động mạnh, lẫn máu trong nước tiểu, đau buốt khi tiểu tiện... Trễ kinh, kinh nguyệt kéo dài, máu hành kinh có màu đen sẫm, đau khi quan hệ tình dục...
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, tăng khả năng chuyển tế bào bình thường sang tế bào bất thường hoặc tế bào ung thư như quan hệ tình dục với nhiều người, mang thai sớm hoặc mang thai nhiều lần, hút thuốc lá, suy giảm miễn dịch...
Bác sĩ Hiền nhận định ung thư cổ tử cung là một bệnh lý nguy hiểm, nếu không phát hiện kịp thời sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như giảm khả năng làm mẹ ở phụ nữ chưa có con, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống và đời sống tình dục.
Thực tế có nhiều trường hợp bệnh tiềm ẩn, ngay cả khi không có biểu hiện rõ ràng, khiến người bệnh chủ quan. Khi xuất hiện triệu chứng hoặc tình cờ phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, gây biến chứng, hiệu quả điều trị thấp.
Bác sĩ Hiền khuyến cáo khám sức khỏe định kỳ hàng năm là cách tốt nhất để phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm.
Từ 21 đến 24 tuổi nên xét nghiệm Pap Smear hay Thin Prep 3 năm một lần. Ở độ tuổi trung niên (25-65 tuổi) nên đồng thời xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV 5 năm một lần theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Mỹ. Người trên 65 tuổi nếu không có sự bất thường nào ở tế bào cổ tử cung, xét nghiệm Pap và HPV kết quả âm tính trong vòng 10 năm qua thì có thể ngừng tầm soát ung thư. Ngoài các mốc thời gian trên, nếu thấy xuất hiện bất kỳ biểu hiện bất thường nào, nên đến bệnh viện để thực hiện tầm soát ngay.