Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phúc An Khang, buồng trứng là cơ quan sản sinh tế bào trứng, đồng thời cũng là cơ quan nội tiết thuộc hệ sinh dục nữ.
Buồng trứng tiết ra hormone estrogen và progesterone. Estrogen có vai trò hình thành đặc điểm giới tính thứ cấp của nữ giới ở tuổi dậy thì và duy trì cơ quan sinh dục ở trạng thái chức năng trưởng thành. Progesterone đóng trò chuẩn bị cho tử cung mang thai và tiết sữa ở tuyến vú. Cả 2 nội tiết tố này có chức năng thúc đẩy những thay đổi của chu kỳ kinh nguyệt và tác động vào nội mạc tử cung.
Bệnh lý xảy ra ở buồng trứng có 2 nhóm chính: Các khối u từ buồng trứng và bệnh lý do rối loạn nội tiết của buồng trứng. Khối u buồng trứng có thể ở dạng đặc hoặc lỏng. U dạng lỏng thường gọi là u nang buồng trứng. Trong trường hợp trứng không thể xuất ra từ các nang trong buồng trứng có thể hình thành một u nang buồng trứng. U này rất phổ biến ở nữ giới khỏe mạnh, không phải u nang nào cũng phải điều trị.
Ung thư buồng trứng được xếp vào các dạng đặc biệt của u nang vì tính chất ác tính của ung thư chỉ biết được sau khi phẫu thuật, còn trước đó khi thăm khám vẫn chẩn đoán là u nang. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, thường được phát hiện trễ do triệu chứng của khối u rất mơ hồ. Hơn nữa, vị trí của buồng trứng tiếp xúc nhiều với ổ bụng nên thường có di căn xa từ rất sớm.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư buồng trứng là ung thư đường sinh dục phổ biến thứ hai, sau ung thư cổ tử cung. Đây cũng là ung thư đường sinh dục gây tử vong cao thứ hai sau ung thư cổ tử cung. Phụ nữ ở Bắc Mỹ và Bắc Âu có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn các quốc gia còn lại.
Tại Việt Nam, số liệu thống kê về xuất độ ung thư buồng trứng năm 2000 ở Hà Nội là 4,4 trên 100.000 dân, TP HCM là 3,7 trên 100.000 dân. Lứa tuổi thường bị ung thư buồng trứng là khoảng 60, nhiều nhất ở phụ nữ hậu mãn kinh. Bệnh cũng có thể gặp ở thiếu nữ 14-15 tuổi, thậm chí trẻ em dưới 10 tuổi, song tỷ lệ thấp.
Đến nay nguyên nhân gây ung thư buồng trứng vẫn chưa được biết rõ ràng, theo thống kê ghi nhận bệnh này thường phát triển trên những cơ địa đặc biệt. Nhiều nghiên cứu cho thấy có những mối liên hệ rõ ràng giữa yếu tố nội tiết và tiền căn thai sản với nguy cơ mắc ung thư buồng trứng, cụ thể như:
- Sinh đẻ ít và kinh thưa. Phụ nữ từng mang thai sẽ giảm một nửa nguy cơ ung thư buồng trứng.
- Dinh dưỡng: Chế độ ăn nhiều mỡ làm tăng khả năng ung thư buồng trứng. Những người ăn nhiều chất có lactose như sữa mà thiếu men galactose-1-phosphate uridyltransferase tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Ngược lại, vitamin A và C dường như có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi bệnh này.
- Yếu tố môi trường: Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ tiếp xúc với bột talc qua bao cao su hoặc giấy vệ sinh sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng. Những người có tiền căn dùng phấn thơm ở vùng sinh dục có tỷ lệ ung thư cao hơn nhóm không sử dụng.
- Một số nhà khoa học chỉ ra mối liên hệ giữa tia bức xạ ion, tia X-quang và ung thư buồng trứng, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều bàn cãi.
- Chưa có bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ giữa virus và ung thư buồng trứng, nhưng có nhiều nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của virus như cúm, rubella, quai bị đối với ung thư buồng trứng.
- Ung thư buồng trứng di truyền thường xảy ra sớm hơn 10 năm so với ung thư buồng trứng không có tính di truyền, tuy nhiên tiên lượng có vẻ tốt hơn. Hội chứng ung thư vú - buồng trứng gia đình thường ảnh hưởng tới người có liên quan phả hệ bậc 1 và 2. Hội chứng này thường gặp ở phụ nữ trẻ, bướu buồng trứng ở 2 bên. Ở những phụ nữ này, nguy cơ bị mắc ung thư buồng trứng tăng gấp 2 đến 4 lần so với cộng đồng.
- Hội chứng Lynch II: Ung thư tuyến xảy ra ở nhiều cơ quan, hiện diện cùng lúc ở đại tràng, buồng trứng, nội mạc tử cung, vú và đường sinh dục.
- Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy người bị ung thư vú có tần suất bị ung thư buồng trứng cao gấp 2 lần bình thường. Còn người bị ung thư buồng trứng có tần suất bị ung thư vú cao gấp 3, 4 lần.
> Xem thêm Các triệu chứng ung thư buồng trứng
Trần Ngoan
tranngoan@vnexpress.net