Theo Bộ Y tế, số ca sốt xuất huyết của cả nước đã lên đến 43.000, cướp đi sinh mạng 28 người. Năm ngoái có gần 32.000 ca bệnh, 20 người tử vong. Tại Hà Nội dịch sốt xuất huyết đã lan ra 30/30 quận huyện với 3.000 người mắc bệnh.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết trước đây cứ 2 năm dịch sốt xuất huyết bùng phát một lần, gần đây chu kỳ dịch thay đổi sang 5-6 năm. Năm nay mưa nhiều, dụng cụ chứa nước thành môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Hiện là đỉnh của dịch.
Từ đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận hơn 700 ca bệnh, tập trung vào các tháng 8, 9. Theo tiến sĩ Kính, dấu hiệu bệnh dễ nhận biết gồm sốt cao liên tục 2-7 ngày, từ ngày thứ ba bắt đầu xuất huyết, có thể là chấm xuất huyết, chảy máu chân răng; nặng thì xuất huyết tiêu hóa, tạng, suy đa tạng, sốc, rối loạn đông máu… Trong đó có khoảng 4% ca nặng, còn lại đa phần bệnh nhẹ, sau 7 ngày sẽ khỏi. Trung bình tại bệnh viện mỗi ngày có 4-5 ca nặng được chuyển từ các tuyến lên.
Bệnh nặng hay nhẹ không phải hoàn toàn do đến viện muộn hay sớm mà từ đáp ứng miễn dịch của cơ thể mỗi người với mầm bệnh. “Có người bệnh nặng ngay từ ngày thứ hai như sốt cao li bì từ 39 độ trở lên, nhức đầu dữ dội, nôn liên tục, đau tức vùng gan, thậm chí tiêu chảy… Đây là những dấu hiệu bệnh nặng nên cần đến viện ngay”, tiến sĩ Kính khuyến cáo.
Phần lớn bệnh nhân ở thể nhẹ có thể theo dõi điều trị tại tuyến dưới, thậm chí ở nhà. Nếu điều trị tại nhà, người bệnh cần bù nước điện giải đầy đủ như uống nước oresol, nước hoa quả như cam, chanh, mía, bưởi ép. Khi sốt cao có thể uống thuốc hạ nhiệt paracetamol, không được uống giảm đau hạ sốt nhóm salisilate như analgin, aspirin... Những loại thuốc này có thể dẫn đến chảy máu dữ dội, xuất huyết nội tác dẫn đến tử vong. Bệnh nhân cần được ăn uống đầy đủ, nâng cao thể trạng, nghỉ ngơi và đặc biệt khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo nặng thì phải đến bệnh viện ngay để điều trị.
Nam Phương