"Thiếu hormone tăng trưởng hiện chưa rõ nguyên nhân, sẽ khiến tầm vóc trẻ thấp vĩnh viễn nếu không điều trị", bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh, Khoa Nội Tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nói tại lễ khởi động tầm soát miễn phí chậm tăng chiều cao ở trẻ, chiều 1/6.
Theo bác sĩ Ngọc Anh, các yếu tố ảnh hưởng chiều cao thường được phân thành các nhóm lớn gồm di truyền, các yếu tố môi trường, dinh dưỡng, bệnh lý mạn tính và các nguyên nhân liên quan bệnh lý nội tiết.
Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi. Chậm tăng trưởng do thiếu hormone chiếm tỷ lệ thấp, là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến trẻ chậm tăng trưởng và rất khó nhận biết. Nếu không được điều trị, trẻ có chiều cao trung bình chỉ từ 135-145 cm, thấp hơn so với chiều cao tối đa có thể đạt được.
Thông thường, trẻ có tầm vóc thấp được định nghĩa là trẻ có chiều cao dưới -2SD so với trẻ cùng tuổi, giới tính, chủng tộc. Tại Việt Nam, trẻ thường được cha mẹ phát hiện chậm cao khi đến tuổi đi học, tức khi có điều kiện so sánh chiều cao với các bạn đồng trang lứa. Đôi khi, tình trạng chậm cao của trẻ cũng có thể được phát hiện tình cờ khi trẻ đi khám một bệnh lý khác.
"Một đứa trẻ trông thấp bé hơn so với bạn bè đồng trang lứa thì khả năng cao chúng đang gặp phải một vấn đề về tăng trưởng", bác sĩ nói. Bệnh không gây nguy hiểm tính mạng nhưng ít nhiều sẽ khiến trẻ gặp vấn đề về việc hòa nhập với trường học, cộng đồng và ảnh hưởng đến sự tự tin.
Hầu hết trẻ chậm tăng trưởng chiều cao có biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài việc không tăng hoặc có tốc độ tăng chiều cao chậm. Riêng đối với trẻ thiếu hormone tăng trưởng nặng có thể có những biểu hiện như giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên gương mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở nam...
Một số trẻ có thể có mỡ quanh vùng bụng, mũm mĩm dù tỷ lệ cơ thể bình thường. Trẻ thường xuyên thấy mệt mỏi. Ngoài ra, một số các triệu chứng về tâm lý cũng có thể xảy ra như thiếu tập trung, trí nhớ kém...
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên theo dõi sát chiều cao của bé, thấy tốc độ tăng trưởng dưới 4cm/năm thì đưa bé đi khám ngay. Nếu đường cong biểu diễn chiều cao của trẻ nằm ngang hoặc đi xuống và đã loại trừ vấn đề suy dinh dưỡng thì rất có thể, trẻ rơi vào trường hợp chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng. Tình trạng tăng trưởng chậm ở trẻ được chẩn đoán và điều trị sớm thì trẻ hoàn toàn có thể đạt được chiều cao gần với mức bình thường hoặc thậm chí phát triển bình thường như những đứa trẻ cùng tuổi khác.
Để việc điều trị bổ sung hormone tăng trưởng đạt hiệu quả, cần đúng thời điểm, đúng liều lượng, tốt nhất trong khoảng độ tuổi 4-13. Nếu qua thời gian này, các sụn xương của trẻ đóng lại, dùng hormone tăng trưởng không còn tác dụng tăng cao. Trẻ đáp ứng với điều trị sẽ có thể tăng chiều cao 8-12 cm mỗi năm.
BS.CK2 Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết chương trình tầm soát chậm tăng chiều cao miễn phí cho trẻ chưa dậy thì được Khoa Nội tiết triển khai thường niên, kể từ năm 2017. Qua 8 năm, bệnh viện tầm soát chiều cao miễn phí cho khoảng 2.400 trẻ, phát hiện 200 trẻ thiếu hormone tăng trưởng. Năm nay, bệnh viện dự kiến tiếp nhận khoảng 300 trẻ đến khám.
Nhiều trường hợp trẻ đến khám tại bệnh viện, phụ huynh đã cho điều trị và can thiệp dinh dưỡng trước đó nhưng không cải thiện. Khi được xác định đúng nguyên nhân gây chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, trẻ được cải thiện chiều cao đáng kể. Đến nay, bệnh viện đã chẩn đoán và điều trị thành công cho hàng trăm trường hợp trẻ thiếu hormore tăng trưởng.
Phụ huynh gọi điện đăng ký tầm soát miễn phí từ 12/5 đến 16/6, qua hotline 0923.041.579 hoặc 0815.221.437, từ 8h đến 17h tất cả các ngày trong tuần. Trẻ sẽ được xếp lịch khám từ ngày 1 đến 23/6.
Lê Phương