Theo bảng tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng trẻ em của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chiều cao trung bình của trẻ gái 10 tuổi là 138,6 cm. Mức được xem suy dinh dưỡng về tầm vóc là 125,8 cm và mức được xem rất cao là 151,4 cm. Như vậy, bé gái trên bị suy dinh dưỡng chiều cao. Cân nặng trung bình trẻ gái tuổi này, theo WHO là 31,9, còn bé gái trên nặng 30 kg.
Bố mẹ cho biết bé thấp hơn bạn đồng trang lứa từ khi còn nhỏ, gia đình chú trọng tăng dinh dưỡng nhưng không cải thiện được chiều cao. Đến 10 tuổi, bé khám tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bác sĩ chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng, chỉ định điều trị bằng cách tiêm bổ sung hormone. Sau 24 tháng điều trị, chiều cao của bé tăng thêm 22 cm, cân nặng 41 kg.
"Chiều cao của bé trong mức trung bình so với cùng lứa tuổi", bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết. Bé vẫn tiếp tục được điều trị bổ sung hormone tăng trưởng, theo dõi chiều cao và sự phát triển thể chất.
Đây là một trong số hàng trăm trường hợp thấp bé do thiếu hormone tăng trưởng điều trị thành công tại bệnh viện. Theo phác đồ, sau 3-6 tháng tiêm hormone, trẻ được đo lại chiều cao và xét nghiệm máu để đánh giá kết quả, điều chỉnh liều thuốc nếu cần. Trẻ đáp ứng với điều trị sẽ tăng chiều cao từ 8 đến 12 cm mỗi năm. Đến tuổi dậy thì, trẻ được đánh giá lại lần nữa để quyết định có tiếp tục bổ sung hormone hay ngưng.
Theo bác sĩ Anh, có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, hormone tăng trưởng... Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi. Chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng, chiếm tỷ lệ thấp, là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến trẻ chậm tăng trưởng và rất khó nhận biết.
Thông thường, trẻ mới sinh cao 48-52 cm. Trong năm đầu đời, bé tăng khoảng 20-25 cm, năm thứ hai tăng 12 cm, năm thứ ba tăng 10 cm, năm thứ 4 tăng 7 cm. Từ 4 đến 11 tuổi, trẻ sẽ tăng trung bình 4-6 cm mỗi năm. Đến tuổi dậy thì, mỗi năm bé gái tăng khoảng 6-10 cm, bé trai tăng 6,5-11 cm.Trẻ không đạt mức này nên được bác sĩ khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao sớm.
Nếu không điều trị, trẻ thiếu hormone tăng trưởng có chiều cao trung bình chỉ 135-145 cm, thấp hơn nhiều so với chiều cao tối đa có thể đạt được. Điều này ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống và tâm lý của trẻ do mặc cảm, tự ti khi so với bạn bè.
Giai đoạn phù hợp để trẻ điều trị hormone tăng trưởng hiệu quả là 4-13 tuổi. "Qua thời gian này, các sụn xương của trẻ đóng lại, dùng hormone tăng trưởng không còn tác dụng", bác sĩ Ngọc Anh phân tích.
Để phát hiện trẻ có vấn đề về chiều cao, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tổ chức tầm soát miễn phí từ ngày 17/6 đến 9/7, vào mỗi cuối. Đăng ký qua hotline 0335 116 057 hoặc 0932 714 440. Tiến sĩ, bác sĩ Lê Cao Phương Duy, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết đây là chương trình thường niên, từ năm 2017 đến nay đã tầm soát miễn phí hơn 2.000 trẻ, trong đó gần 200 trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng.
Lê Phương