Tiến sĩ Jenn Mann, tác giả cuốn sách Superbaby: 12 cách giúp trẻ khởi đầu tốt trong ba năm đầu đời, cùng bác sĩ nhi khoa Claire McCarthy, Bệnh viện Nhi đồng Boston, Mỹ đưa ra một số kỹ năng trẻ nên có.
Tăng cường sự kết hợp của nhiều bộ phận cơ thể
Chẳng hạn, nếu trẻ có thể xếp chồng các hình khối lên nhau và giữ thăng bằng chúng trong khoảng thời gian nhất định, điều đó cho thấy cơ thể và não bộ của trẻ đang hoạt động song song. Sở dĩ, để làm được việc này, tay, chân và mắt cùng khả năng kiểm soát vận động phải phối hợp nhịp nhàng, giúp trẻ di chuyển và đặt các khối cân bằng với nhau.
Ngoài trò chơi này, bạn nên tìm hiểu và tạo ra nhiều hoạt động đòi hỏi kết hợp khả năng vận động cùng tư duy để trẻ thực hành ngay tại nhà. Trẻ sẽ được phát triển đồng đều cả về thể chất và não bộ, giúp tăng sức đề kháng và hoạt bát hơn.
Phát triển ngôn ngữ
Khi trẻ cố gắng diễn đạt một câu chuyện hoặc lời đề nghị bằng những từ ngữ rời rạc, bạn không nên phớt lờ nỗ lực đó. Nếu bạn càng nói chuyện nhiều, vốn từ trẻ tích lũy được sẽ ngày càng tăng. Đồng thời sự chú ý và khích lệ của bạn sẽ giúp trẻ bạo dạn, hay chia sẻ hơn. Khi còn nhỏ, điều này chỉ có ý nghĩa về mặt ngôn ngữ nhưng sẽ giúp hình thành mối liên hệ gần gũi giữa bạn và trẻ khi lớn lên.
Chẳng hạn, khi trẻ nói "Áo sơ mi của mẹ", hãy mở rộng ý đó bằng cách hỏi lại "Đúng rồi, đây là áo của mẹ. Nó có vết bẩn nào hả con?" để khuyến khích trẻ nói nhiều hơn. Khi đọc sách cùng trẻ, bạn có thể đọc to một số từ ngữ và chỉ vào chúng trong trang sách. Nếu bắt gặp từ đó nhiều lần, trẻ có thể nhớ mặt chữ và cách đọc dù chưa học chữ.
Sự khéo léo
Khi có sự khéo léo, trẻ làm việc gì cũng dễ dàng hơn. Bạn có thể bắt đầu dạy trẻ kỹ năng này thông qua việc sử dụng thìa, tự xúc trong bữa ăn. Mặc dù sẽ làm mọi thứ lộn xộn hơn so với khi được người lớn cho ăn, nhưng việc được tự xúc và học theo những gì bố mẹ làm trong bữa ăn cũng tạo cho trẻ sự hứng khởi riêng. Ngoài ra, một số hoạt động rèn khéo léo khác bạn có thể tham khảo gồm dạy trẻ xỏ dây giày, nặn đất, xé dán...
Xây dựng trí tưởng tượng
Với trẻ nhỏ, trí tưởng tượng có thể mở ra thế giới vô cùng đa dạng và nhiều màu sắc. Những món đồ chơi hữu ích để phát triển kỹ năng này gồm xếp hình lego, đóng kịch, vẽ tranh hoặc biến đồ tái chế thành sản phẩm có thể sử dụng... Chẳng hạn trẻ thích chiếc ôtô, bạn có thể mua nguyên liệu đa dạng để bé tự tạo ra một chiếc xe đúng với tưởng tượng. Việc này giúp hình thành khả năng sáng tạo, bồi đắp các ý tưởng và xây dựng kỹ năng giải quyết vấn đề bất ngờ trong cuộc sống.
Biết lắng nghe
Biết lắng nghe không chỉ là đứng yên và im lặng khi người lớn nói. Kỹ năng này hướng đến việc trẻ nghe và hiểu yêu cầu của bố mẹ, sau đó thực hiện theo. Do đó, trước khi yêu cầu làm gì, bạn cần chắc chắn đã thu hút được sự chú ý của trẻ. Khi trao đổi, bạn cần sử dụng ngôn ngữ đơn giản, ngắn gọn để trẻ hiểu trọn vẹn những gì bạn muốn nói.
Tuy nhiên, việc này cũng cần thực hiện theo nguyên tắc hai chiều, tức bạn cũng cần chú ý mỗi khi trẻ cố gắng diễn đạt điều gì đó. Chỉ khi là tấm gương tốt, việc dạy con của bạn mới dễ dàng.
Thanh Hằng (Theo Parents)