Bác sĩ Dương Phước Hưng, khoa Hậu môn - Trực tràng, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết trĩ là bệnh hậu môn trực tràng phổ biến nhất với khoảng 50% dân số mắc bệnh. Các yếu tố tăng nguy cơ bị bệnh bao gồm ngồi nhiều, đứng lâu, táo bón kéo dài, mang thai... Bệnh diễn tiến âm thầm nên nhiều người chủ quan hoặc biết nhưng giấu bệnh. Đến khi biến chứng xảy ra như choáng, mất nhiều máu, nhiễm trùng do búi trĩ thòi ra không co lên được, người bệnh mới đến bệnh viện.
Thông thường, trĩ ở giai đoạn sớm có biểu hiện đi ngoài phân dính máu, ngứa, rát hậu môn, cảm giác khó chịu tăng lên khi ngồi lâu, hoặc sau ăn cay nóng, sau uống rượu, bia, chất kích thích...
Bệnh ở giai đoạn muộn thường có biểu hiện sa búi trĩ ra ngoài hậu môn kèm theo đau rát, có thể không ngồi được gây vướng víu, khó chịu. Khi búi trĩ sa ra ngoài không kịp thời điều trị gây ra các biến chứng như nghẹt, loét, hoại tử, nhiễm trùng.
Trĩ được phân biệt thành 3 loại trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Ở trĩ nội, búi trĩ nằm bên trong trực tràng nên người bệnh không sờ thấy. Sau đó, do táo bón kéo dài, ngồi nhiều khiến búi trĩ bị viêm, gây nóng rát thậm chí có thể sa ra ngoài ống hậu môn và chảy máu.
Với trĩ ngoại, các tĩnh mạch trĩ nằm ở khu vực dưới da, rìa ngoài hậu môn bị giãn, sau đó bị gấp khúc, viêm, tạo nên búi trĩ. Người bệnh mới đầu có cảm giác ngứa rát đôi chút, lâu dần đi đại tiện hay ra máu, sờ thấy búi trĩ và đau rát nhiều hơn khiến không thể ngồi, đứng như bình thường. Trĩ ngoại sớm được phát hiện sẽ dễ điều trị hơn trĩ nội.
Với trĩ hỗn hợp, người bệnh có thể vừa mắc trĩ nội, vừa bị bệnh trĩ ngoại. Khi trĩ sa, không co lên được, kết hợp với các búi trĩ ngoài rìa hậu môn dễ khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm. Nguyên nhân do các tĩnh mạch bị viêm sưng từ trong ra ngoài hậu môn, gây chảy nhiều máu, nhiễm trùng máu nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Hưng, bệnh trĩ ở cấp độ nhẹ sẽ dễ điều trị và có thể chữa tại nhà theo sự hướng dẫn của bác sĩ như ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, chuối, táo, lê, khoai, bí đỏ kết hợp với thiết lập lối sống lành mạnh, tăng cường vận động, kiêng uống bia rượu. Uống nhiều nước, hạn chế ăn muối và kiêng các chất gia vị cay, nóng, cà phê, rượu, những thực phẩm chứa chất cafein.
Bổ sung nước cho cơ thể 2-2,5 lít nước mỗi ngày. Hạn chế đứng lâu, ngồi lâu, không nên ngồi xổm vì có thể ảnh hưởng đến sự tuần hoàn máu ở khoang xương chậu làm cho ứ máu tại các tĩnh mạch trĩ.
Dành thời gian để tập luyện thể thao như chạy, đi bơi, tập gym, yoga... Hạn chế sinh hoạt tình dục khi có các biểu hiện của bệnh trĩ.
Ngoài ra, người bị trĩ khi đi ngoài nên hạn chế rặn, gồng mạnh làm cao áp huyết trong các mạch máu và trương căng chỗ trĩ nhiều hơn, nguy hại sức khỏe.
Thùy An