Bác sĩ Trịnh Thị Thúy, Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chỉ ra những dấu hiệu mang thai sớm giúp chị em nhận biết và có kế hoạch chăm sóc thai kỳ tốt hơn.
Tắt kinh
Đây là dấu hiệu xuất hiện sớm nhất và tương đối tin cậy để chẩn đoán có thai ở phụ nữ khỏe mạnh, kinh nguyệt đều đặn, không cho con bú hoặc không sử dụng biện pháp tránh thai hormone. Tuy nhiên một số phụ nữ cũng có thể bị tắt kinh khi có thay đổi về cân nặng, sang chấn tâm lý (stress), hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh lý tuyến giáp...
Mệt mỏi, buồn ngủ
Mệt mỏi là triệu chứng khá phổ biến khi mang thai, do nôn nhiều, ăn uống kém. Đặc biệt, phụ nữ mang thai thường hay buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật, ngủ nhiều.
Chóng mặt, buồn nôn
Buồn nôn và nôn, đặc biệt vào buổi sáng. Mức độ nặng nhẹ của tình trạng buồn nôn và nôn rất khác nhau, có người không có biểu hiện gì, trong khi lại có người nôn hết cả thức ăn và nước uống.
Chóng mặt là triệu chứng thường gặp khi mang thai. Một số phụ nữ có thể sẽ bị chóng mặt, váng đầu do thiếu máu. Dấu hiệu có thai này có thể xuất hiện ít nhiều, nặng nhẹ tùy vào thể trạng từng người và mức độ thiếu máu của từng người.
Thay đổi ở vú
Vú to hơn, cảm giác hơi căng và đau, các tĩnh mạch nhỏ nổi lên và nhìn ngay dưới da gọi là hệ thống Haller. Núm vú to ra, nhô cao, tăng sắc tố và nhạy cảm, quầng vú sậm màu.
Đi tiểu nhiều
Phụ nữ mang thai thường đi tiểu nhiều hơn bình thường. Đây là hiện tượng thường xảy ra trong những tháng đầu do tình trạng tăng sinh các mạch máu và tử cung trong hố chậu to dần lên đè vào bàng quang.
Táo bón, đầy hơi
Táo bón và đầy hơi là hai dấu hiệu dễ gặp khi đã mang thai. Thậm chí chúng xuất hiện thường xuyên hơn cùng với sự phát triển của thai kỳ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do hormone progesterone khi mang thai tăng cao tạo ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa của thai phụ.
Nhạy cảm với mùi
Bất kể mùi nào cũng có thể khiến chị em khi mang thai cảm thấy khó chịu và buồn nôn như mùi thuốc lá, mùi nước hoa, mùi thức ăn... Với một số thai phụ, sự nhạy cảm này có thể sẽ giảm dần sau khi hết 3 tháng đầu thai kỳ.
Thân nhiệt thay đổi
Chỉ cần theo dõi, chị em sẽ nhận thấy thân nhiệt của mình tăng cao hơn khoảng 0,5 độ C do hiện tượng tăng chuyển hóa khi mang thai. Hiện tượng thân nhiệt tăng cũng có thể làm da bạn ẩm ướt, gây nên rôm sảy ở những nơi có sự ma sát giữa các vùng da với nhau.
Thay đổi thói quen ăn uống
Phụ nữ tự nhiên thích ăn một số loại thức ăn trước đây không thích hoặc không thể ăn được cũng là một dấu hiệu cảnh báo bạn mang bầu. Ví dụ như bạn thèm ăn chua, ăn ngọt hoặc ăn rất nhiều thức ăn, bữa ăn...