Ung thư đại tràng là nguyên nhân gây ung thư hàng đầu tại Anh và là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu, với hàng nghìn ca mới được phát hiện mỗi năm trên thế giới, không phân biệt tuổi tác. Nikita Patel, giám đốc y tế tại Vitality, Anh, nhấn mạnh sự cần thiết của việc nhận biết sớm các triệu chứng. "Nhận diện đúng các dấu hiệu ung thư đại tràng là chìa khóa để phòng tránh hậu quả nghiêm trọng", cô Patel nói.
Ung thư đại tràng có thể biểu hiện qua nhiều cách khác nhau. Một số triệu chứng ít được biết đến bao gồm:
- Thay đổi bất thường trong thói quen đi vệ sinh, như đi đại tiện thường xuyên hơn hoặc táo bón nhiều hơn.
- Máu trong phân.
- Có u trong bụng.
- Mất cảm giác thèm ăn không rõ nguyên nhân.
- Giảm cân không giải thích được.
- Thiếu máu.
Khi một hoặc nhiều triệu chứng trên xuất hiện, cần thiết gặp bác sĩ.
Triệu chứng của ung thư đại tràng có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác
Các triệu chứng của ung thư đại tràng thường giống với Hội chứng ruột kích thích (IBS), khiến việc phân biệt hai tình trạng này trở nên khó khăn.
Hãy chú ý đến bất kỳ sự thay đổi nào trong hoạt động ruột. Khi có bất thường, nên gặp bác sĩ để được tư vấn và theo dõi triệu chứng, hoặc tiến hành các xét nghiệm cần thiết để xác định chính xác tình trạng sức khỏe.
Phương pháp giảm nguy cơ ung thư đại tràng
Nguyên nhân ung thư đại tràng phụ thuộc nhiều yếu tố. Tuy nhiên, duy trì một lối sống lành mạnh có thể giảm thiểu cơ hội mắc bệnh này.
Các biện pháp có thể bao gồm:
- Ngừng hút thuốc.
- Giảm uống rượu.
- Ăn thực phẩm giàu chất xơ. Có nghiên cứu chỉ ra rằng chất xơ có thể giảm nguy cơ phát triển ung thư đại tràng.
- Tránh thịt chế biến sẵn và hạn chế thịt đỏ. Có bằng chứng cho thấy thịt chế biến sẵn và ăn nhiều thịt đỏ tăng nguy cơ ung thư đại tràng.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Thừa cân hoặc béo phì có thể tăng nguy cơ ung thư đại tràng.
Thảo luận vấn đề với bác sĩ
Nếu thấy thói quen đại tiện thay đổi hoặc có dấu hiệu bất thường, hãy gặp bác sĩ ngay. Bạn cần có sự chuẩn bị trước khi gặp bác sĩ, ghi chép lại các triệu chứng, thời gian xuất hiện và mức độ kéo dài để bác sĩ có cái nhìn toàn diện về tình trạng của mình. Hãy mô tả chi tiết, dù có thể ngại nhưng việc cung cấp thông tin cụ thể sẽ giúp bác sĩ đưa ra đánh giá chính xác hơn.
Chỉ bản thân mới hiểu rõ cơ thể mình nhất. Nếu bạn cảm thấy lo lắng về bất kỳ điều gì không bình thường, đừng ngần ngại chia sẻ với bác sĩ.X
Xét nghiệm tầm soát ung thư đại tràng
Để hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm phân, một quy trình đơn giản không gây khó chịu. Mẫu phân sẽ được phân tích tại phòng thí nghiệm và kết quả sẽ có sau vài ngày.
Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm máu để kiểm tra bạn có thiếu máu hoặc các vấn đề khác. Đôi khi, bạn cần nội soi đại tràng tại bệnh viện. Trong quá trình này, bác sĩ sử dụng một thiết bị camera để quan sát bên trong đại tràng và có thể lấy mẫu sinh thiết để phát hiện sớm dấu hiệu của ung thư.
Điều trị
Quyết định điều trị ung thư đại tràng dựa trên nhiều yếu tố, từ kích thước và vị trí của khối u đến mức độ lan rộng của nó và tình trạng sức khỏe chung. Đội ngũ y tế sẽ cùng người bệnh xem xét các phương án và lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất, có thể bao gồm phẫu thuật, liệu pháp xạ trị, hóa trị, hoặc các phương pháp tiên tiến như thuốc đích và miễn dịch.
Phẫu thuật
Trong cuộc chiến chống lại ung thư đại tràng, các phương pháp phẫu thuật đa dạng có thể được áp dụng để loại bỏ khối u. Đôi khi, bạn phải cắt bỏ một phần đại tràng, bước quan trọng để đảm bảo không còn tế bào ung thư nào sót lại.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề xuất tạo lỗ thông stoma - một thủ thuật y khoa cho phép đưa ruột ra ngoài cơ thể qua thành bụng. Có hai loại chính, gồm lỗ thông từ ruột non ra da (ileostomy) hoặc từ ruột già (colostomy - còn gọi hậu môn nhân tạo). Để thích nghi với stoma là cả một hành trình, người bệnh sẽ học cách quản lý nó một cách hiệu quả, giúp trở thành phần tự nhiên của cuộc sống hàng ngày.
Trong quá trình hồi phục, việc duy trì chế độ ăn uống cân đối và giàu dinh dưỡng là cực kỳ quan trọng. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh chế độ dinh dưỡng cần thiết trong giai đoạn này, giúp cơ thể phục hồi.
Giữ sức khỏe trong quá trình điều trị
Chăm sóc bản thân là rất quan trọng. Duy trì hoạt động, ăn uống lành mạnh và chăm sóc tinh thần giúp bệnh nhân ở trong tình trạng tốt nhất cho quá trình điều trị.
Thanh Thúy (Theo Mirror)