Theo bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Giám đốc Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1, hội chứng ngưng thở khi ngủ là rối loạn đặc trưng bởi sự ngừng thở từng lúc về đêm trong khi ngủ, có thể dẫn tới thiếu oxy máu và ngủ ngày quá nhiều.
Người bệnh vẫn có thời gian ngủ như bình thường, nhưng chất lượng giấc ngủ kém, bị gián đoạn, ngủ không đủ sâu, thường xuyên thiếu oxy khi ngủ.
Đường thở ở người bình thường và người mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Ảnh: News Network |
Dấu hiệu nhận biết chứng ngưng thở khi ngủ:
Ngủ ngáy
Người mắc chứng ngưng thở thường xuyên ngáy khi ngủ. Tiếng ngáy kèm tiếng khịt mũi, thở gấp, nghe như bị nghẹt thở. Người bệnh có cảm giác ngộp, giật mình tỉnh giấc, đôi khi ngưng thở khi ngực và bụng không nhấp nhô theo nhịp.
Mệt mỏi cả ngày
Người bị ngưng thở khi ngủ thường mệt mỏi, khó tập trung trong công việc, suy giảm trí nhớ, tính tình thay đổi, dễ cáu gắt.
Buồn ngủ vào ban ngày
Đây là một trong các dấu hiệu đặc trưng của hội chứng ngưng thở khi ngủ. Buồn ngủ ban ngày làm chất lượng công việc giảm sút, dễ gây tai nạn giao thông và tai nạn lao động...
Đau đầu khi thức dậy
Thường xuyên cảm thấy đau đầu mỗi sáng thức dậy có thể do hội chứng ngưng thở khi ngủ gây ra. Nguyên nhân do sự thay đổi nồng độ oxy ở não trong đêm.
Theo bác sĩ Lan, người mắc hội chứng này nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, đột quỵ...
"Bệnh cần chẩn đoán và điều trị nghiêm túc, thực hiện các phương pháp khảo sát giấc ngủ để sớm phát hiện, tránh các biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Lan nói.
Phương pháp khảo sát giấc ngủ là tiêu chuẩn để chẩn đoán ngưng thở và các rối loạn hô hấp khác khi ngủ. Khảo sát chia thành loại 1, 2, 3 và 4 để đo các thông số tim, phổi, luồng khí lưu thông, độ bão hòa oxy máu và nhịp tim. Khi khảo sát, người bệnh cần ngủ tại phòng khám hoặc bệnh viện.
Nếu ghi nhận có tổng số đợt ngưng thở lớn hơn 5 lần trong mỗi giờ và mỗi đợt ngưng thở kéo dài ít nhất 10 giây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Khảo sát loại 2, 3, 4 không có mặt của nhân viên y tế và có thể thực hiện bên ngoài phòng khám. Khảo sát không thực hiện được trên đối tượng có bệnh lý tim mạch, hô hấp nặng, bệnh thần kinh, động kinh.