Tiến sĩ Scott Walter, bác sĩ da liễu được chứng nhận tại Bệnh viện Denver, cho biết sự phát triển nhanh chóng của lông tơ màu trắng ở những khu vực thường không có lông như vành tai, mũi gọi là hypertrichosis lanuginosa. Các sợi lông này thường mịn, không có sắc tố, tương tự lông tơ của em bé sau sinh. Tuy nhiên, ở người lớn, các sợi lông thường xuất hiện ở khu vực cận ung thư, biểu hiện cho các rối loạn bên trong được cơ thể phản ứng theo các nhất định.
Lông tơ mọc trên tai, má và mũi liên quan đến ung thư phổi, vú, tử cung, đại trực tràng, ung thư hệ tiêu hóa, đường tiết niệu và buồng trứng. Các triệu chứng này có thể báo hiệu trước bệnh ung thư tới hai năm rưỡi.
"Đây có thể là biểu hiện đầu tiên khi bạn mắc bệnh. Làn da của chúng ta thể hiện rất rõ những gì diễn ra bên trong cơ thể", tiến sĩ Walter nói.
Dù vậy, đây là triệu chứng hiếm gặp. Mỹ ghi nhận dưới 1.000 người bị mọc lông tơ khi ung thư, theo Trung tâm Thông tin Di truyền và Bệnh hiếm. Các triệu chứng khác gồm nhiễm trùng, sưng tấy vùng lưỡi, thay đổi vị giác, tiêu chảy và giảm cân. Trong một ca bệnh điển hình, nữ bệnh nhân 68 tuổi báo cáo tình trạng bỏng rát lưỡi và mọc lông mịn, dày trên mặt.
Các nhà khoa học chưa hiểu rõ nguyên nhân của tình trạng này. Một số người cho rằng đây là phản ứng của cơ thể với hormone hoặc các chất do khối u giải phóng. Hầu hết ca lanuginosa hypertrichosis liên quan đến bệnh ác tính. Trong các trường hợp ít phổ biến hơn, mọc lông tơ có thể là biểu hiện của trạng thái chán ăn tâm thần, cường giáp và hội chứng suy giảm miễn dịch. Đây cũng có thể là tác dụng của một số loại thuốc như ciclosporin, phenytoin, interferon, spironolactone và corticosteroid.
Điều trị tình trạng mọc lông đồng nghĩa với điều trị ung thư tiềm ẩn. Vể mặt thẩm mỹ, các bác sĩ có thể chỉ định người bệnh triệt lông bằng laser, sử dụng kem tẩy lông.
Thục Linh (Theo NY Post)