Bác sĩ Hồng Văn Hiệp, Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết loạn thị là một trong những tật khúc xạ của mắt khiến thị lực suy giảm. Người loạn thị thường cảm thấy mờ, đau nhức mắt, chảy nước mắt, mắt khô mỏi. Tật khúc xạ này không thể hiện các dấu hiệu ra ngoài và rất dễ nhầm lẫn với cận hay viễn thị.
Loạn thị xảy ra khi giác mạc và thủy tinh thể có hình dạng bầu dục mà không cong tròn đều. Ánh sáng vào mắt qua võng mạc không tập trung tại một điểm như thông thường mà phân tán vào hai hướng khác nhau. Do đó, người loạn thị nhìn xa hay gần đều thấy hình ảnh bị nhòe, có bóng.
Một người có thể vừa loạn thị vừa cận thị/ viễn thị hoặc nhược thị. Hai mắt cũng có thể không cùng độ loạn thị.
"Chứng loạn thị khá phổ biến và gặp ở mọi lứa tuổi, nghề nghiệp. Loạn thị nặng không điều trị kịp thời dễ dẫn đến tình trạng giảm thị lực sâu, không thể cải thiện được", bác sĩ Hiệp khẳng định.
Nguyên nhân lớn dẫn đến loạn thị và các tật khúc xạ là do bẩm sinh. Bản thân mắt không có vấn đề gì, chỉ là một sai lệch về quang học. Giác mạc bị chấn thương, viêm loét thành sẹo, sẹo co kéo, khiến giác mạc bị lệch, biến đổi độ cong cũng gây loạn thị. Còn lại là do bệnh lý của mắt như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp...
Loạn thị nhẹ dưới 0,75 độ, khi không cản trở thị giác thì coi như loạn sinh lý, không cần điều trị. Nếu nặng hơn hoặc mắt mờ, khô thì buộc phải can thiệp y tế.
Hiện nay, có bốn phương pháp để hồi phục thị lực do loạn thị. Tùy theo điều kiện kinh tế và chỉ định của bác sĩ mà áp dụng.
Đeo kính gọng được xem là giải pháp đơn giản, an toàn, rẻ nhất so với các loại khác. Đây là biện pháp không can thiệp vào mắt. Tuy nhiên, về mặt quang học, giữa mắt và kính có khoảng cách, khiến góc nhìn bị giới hạn, chỉ thuận tiện khi nhìn thẳng.
Đeo kính tiếp xúc - áp tròng mềm, giúp người loạn thị có tầm nhìn rộng và rõ ràng hơn. Loại kính này áp sát vào tròng mắt nên có tính thẩm mỹ cao. Người sử dụng kính áp tròng cần thận trọng, vệ sinh kính và thay mới đúng theo hướng dẫn sử dụng. Khi ngủ, đi bơi phải tháo kính tránh tai nạn, nhiễm trùng.
Hai biện pháp này chỉ đóng vai trò chỉnh khúc xạ chứ không làm hết loạn thị. Sau khi bỏ kính, mắt vẫn có tật.
Phương pháp chỉnh hình giác mạc bằng kính sát tròng ban đêm - Ortho K, được nhiều người áp dụng. Chiếc kính giống như một khuôn định hình, giúp các lớp tế bào biểu mô mới của giác mạc tái tạo cong đều, bù trừ độ sai lệch của mắt. Ortho K dành riêng cho bệnh nhân loạn thị do giác mạc và chưa đủ điều kiện phẫu thuật mắt.
Bệnh nhân đeo kính trong khi ngủ, tháo ra khi thức dậy. Phương pháp này cải thiện được tật loạn thị tạm thời. Ngừng sử dụng sẽ trở về tình trạng cũ.
Phẫu thuật tia laser là biện pháp duy nhất điều trị loạn thị triệt để. Song, chỉ những người trưởng thành, độ loạn ổn định, không mắc các bệnh lý mắt khác, phẫu thuật mới đem lại hiệu quả cao. Bệnh nhân hoàn toàn thoát khỏi sự lệ thuộc vào kính. Thị lực hồi phục nhanh, vĩnh viễn. Mặc dù vậy, mổ mắt bằng laser có chi phí cao và phải chịu rủi ro phẫu thuật.
Bác sĩ Hiệp lưu ý, để có "cửa sổ tâm hồn" khỏe mạnh, cần thăm khám mắt định kỳ, nhằm phát hiện các nguy cơ cũng như bệnh tật về mắt. Đặc biệt, bệnh nhân loạn thị cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ trong điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Thư Anh