Ngày 18/8, bác sĩ Tạ Huy Hải, Khoa Điều trị, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, cho biết như trên, thêm rằng co giật có thể xuất hiện không báo trước và rất nguy hiểm, nhất là khi người bệnh tham gia giao thông. Bệnh phát triển âm thầm, đến khi có triệu chứng rõ rệt thì thường đã muộn.
Triệu chứng khi nhiễm sán não thường là đau đầu, co giật, cơn động kinh nặng nhẹ, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ. Nhiều người chủ quan không đi khám hoặc nhầm tưởng với các bệnh lý tâm thần. Một số triệu chứng khác hiếm gặp hơn như yếu liệt nửa người, cảm giác và vận động bất thường, gây nhầm tưởng là đột quỵ.
Nguyên nhân nhiễm ấu trùng sán dây lợn là ăn uống không đảm bảo vệ sinh, ăn thực phẩm sống, chưa nấu chín như tiết canh, nem chạo, nem thính. Các loại rau sống nhiễm sán từ chất thải của lợn hoặc nguồn nước bẩn cũng là nguồn lây bệnh.
Đơn cử, người đàn ông 58 tuổi, bất ngờ đau đầu, co giật, méo miệng, tưởng bị đột quỵ, khi kiểm tra bác sĩ phát hiện sán làm tổ trên não. Kết quả chụp phim thấy tổn thương sán não ở giai đoạn hoạt động. Người này thi thoảng ăn tiết canh lợn, vịt nhà làm, bác sĩ xác định đây có thể là nguyên nhân khiến ông mắc sán não.
Bác sĩ khuyến cáo tiết canh làm từ máu sống, tiềm ẩn nhiều mầm bệnh gây tiêu chảy, tả, liên cầu khuẩn, nhiễm ấu trùng giun sán. Cần ăn chín uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn. Người lớn, trẻ nhỏ cần tẩy giun định kỳ 6 tháng đến một năm một lần, không ăn tiết canh, thịt lợn tái hay nội tạng kém vệ sinh, không rõ nguồn gốc. Vệ sinh môi trường, giữ gìn nơi ở, vườn tược sạch sẽ.