Ông Chu Văn Bảo 62 tuổi ở Hà Nội đến Bệnh viện Bạch Mai khám ngày 30/11, triệu chứng khó thở, ho nhiều. Trước đó ông đã được chẩn đoán mắc hen phế quản, vẫn dùng thuốc tại nhà. Những ngày qua thời tiết đang đổi sang lạnh khiến bệnh tình của ông trầm trọng hơn.
Phùng Quang Tuấn 21 tuổi ở Lạng Sơn, cũng bị hen phế quản từ nhỏ. Một tháng nay, Tuấn khó thở, thở rít về đêm và gần sáng, sợ lên cơn cấp nên phải đi khám để bác sĩ kê thuốc uống.
Tiến sĩ Phạm Huy Thông, Phó giám đốc Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hen là bệnh không lây nhiễm phổ biến tại Việt Nam. Ước tính khoảng 4% dân số mắc bệnh hen, chừng 3.000 ca tử vong mỗi năm. Chỉ 40% người kiểm soát được bệnh, số còn lại phải vào viện cấp cứu khi lên cơn cấp. Đến 85% trường hợp có thể phòng tránh được nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Nhiều bệnh nhân hen phải vào viện cấp cứu do lên cơn cấp thay vì điều trị duy trì. Các thuốc cắt cơn rẻ tiền, tác dụng nhanh được bệnh nhân dùng nhiều hơn thuốc kiểm soát hen. Nhận thức về bệnh còn thấp, tuân thủ điều trị chưa cao.
Bác sĩ Thông cho biết 4 dấu hiệu thường gặp của bệnh hen gồm: Ho khan, kết thúc ho có khạc đờm trắng, dính; Khò khè (thở rít, cò cứ); Khó thở (thở ngắn, khó thở ra) và nặng ngực (tức ngực).
Ho là biểu hiện thường gặp nhất, đặc biệt ở trẻ em. Ho có thể xuất hiện trước hoặc là triệu chứng duy nhất của hen. Bệnh có đặc điểm tái phát nhiều lần, thường xảy ra về đêm và sáng, liên quan đến yếu tố thay đổi thời tiết và xuất hiện hoặc tăng lên khi tiếp xúc với các yếu tố khởi phát.
Trẻ từ 3 tuổi trở lên có thể mắc hen, tuy nhiên 90% đến giai đoạn vị thành niên sẽ khỏi bệnh hoàn toàn, không phải dùng thuốc. Song, phần lớn khi đến tuổi cao thì bệnh quay trở lại.
Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ, các yếu tố nguy cơ lớn nhất bao gồm di truyền và tiếp xúc với môi trường có các chất hít vào như phấn hoa, bào tử nấm, phân bụi; nhiễm trùng đường hô hấp do virus, hít phải khói thuốc hoặc hóa chất tại nơi làm việc.
Theo bác sĩ Thông, có thể kiểm soát hen bằng cách dùng thuốc hằng ngày, liều thấp, tác dụng tại chỗ, ít tác dụng phụ. "Không điều trị bệnh nhân hen có thể xuất hiện các cơn cấp, quá nặng sẽ tử vong. Ngoài ra, chức năng phổi sẽ mất đi dần, lâu dần không thể hồi phục", bác sĩ Thông nói.
Các phương pháp điều trị bệnh hen nhằm làm giảm triệu chứng và kiểm soát bệnh. Thuốc điều trị bao gồm kháng viêm đường thở (thuốc kiểm soát), giãn phế quản (thuốc cắt cơn), thuốc hít kết hợp, thuốc kháng leukotriene... Khi bệnh hen được điều trị kiểm soát tốt, bệnh nhân có thể học tập, làm việc, chơi thể thao bình thường, tránh được hầu hết cơn hen kịch phát, duy trì chức năng phổi bình thường.
Để tránh cơn hen, người bệnh cần tránh các yếu tố nguy cơ gây hen như phấn hoa, lông súc vật nuôi, ảnh hưởng của thời tiết, nhiệt độ nóng-lạnh, ảnh hưởng của gắng sức... Khám bệnh để có thuốc điều trị hen, tuân thủ phác đồ điều trị. Bệnh nhân hen cần đi khám ít nhất 4 lần trong năm, cả khi không có vấn đề gì về đường thở.