"Các triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa thông thường, nếu chủ quan người bệnh dễ bỏ qua cơ hội phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm," BS.CK2 Phạm Ngọc Tảo, Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện An Bình, chia sẻ tại hội nghị khoa học của bệnh viện, ngày 28/12.
Ung thư dạ dày là một bệnh lý ác tính của đường tiêu hóa, nằm trong số các bệnh ung thư phổ biến nhất trên toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia châu Á, nơi tỷ lệ mắc bệnh cao. Theo số liệu của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), tại Việt Nam ung thư dạ dày xếp thứ 5 về số ca mắc mới, với hơn 16.200 trường hợp mỗi năm.
Đây là nguyên nhân tử vong do ung thư đứng thứ ba của nước ta, với hơn 13.200 ca tử vong mỗi năm. Phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, khi cơ hội điều trị hiệu quả đã giảm đáng kể. Một số trường hợp phát hiện quá muộn không còn khả năng phẫu thuật.
Theo bác sĩ Tảo, phát hiện bệnh ở giai đoạn càng sớm thì việc điều trị càng hiệu quả, tỷ lệ thành công cao, và tiên lượng sống tốt. Ở giai đoạn muộn, khi tổn thương đã lan rộng, khả năng sống sót rất thấp. Các phương pháp điều trị hiện nay gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị.
Trong đó, phẫu thuật là phương pháp chính, đặc biệt phẫu thuật nội soi cắt dạ dày mang lại nhiều ưu điểm như ít xâm lấn, giảm biến chứng và nhanh hồi phục hơn so với mổ mở. Hóa trị và xạ trị thường được phối hợp với phẫu thuật tùy theo tình trạng bệnh lý của từng bệnh nhân.
"Helicobacter pylori (HP) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư dạ dày, nếu phát hiện nhiễm khuẩn này cần điều trị để giảm nguy cơ tiến triển ung thư", bác sĩ Tảo nói.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác là chế độ ăn nhiều muối, thực phẩm chứa nitrosamine cao như dưa muối, thực phẩm lên men, cá muối, tiền sử gia đình có người mắc ung thư đường tiêu hóa...
Hiện nay, Việt Nam chưa có chương trình tầm soát ung thư dạ dày cấp quốc gia như một số nước. Hầu hết bệnh nhân giai đoạn sớm được phát hiện qua tầm soát cơ hội, tức là tình cờ phát hiện khi khám vì các bệnh lý khác.
Để phòng ngừa sớm ung thư dạ dày, cần tầm soát khuẩn HP, điều trị nếu phát hiện nhiễm khuẩn và theo dõi sát sau đó. Hiểu rõ đường lây của vi khuẩn để tránh tái nhiễm trong sinh hoạt và ăn uống hàng ngày. Nội soi dạ dày nên thực hiện từ tuổi 40. Đối với nhóm nguy cơ cao như gia đình có tiền sử ung thư đường tiêu hóa, nên nội soi sớm hơn. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn mặn và thực phẩm lên men, duy trì thói quen sinh hoạt vệ sinh.
Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường như đau bụng kéo dài, rối loạn tiêu hóa, đi tiêu phân đen, cần đến bệnh viện kiểm tra kịp thời. Không nên tự ý điều trị bằng các phương pháp dân gian hoặc thuốc không rõ nguồn gốc.
"Việc chủ động tầm soát và thăm khám định kỳ là chìa khóa để phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm, giúp tăng cơ hội điều trị thành công và cải thiện chất lượng cuộc sống", bác sĩ Tảo nói.
Lê Phương