Theo Thầy thuốc ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Hồng Hoa - Trưởng khoa Nội - Cơ xương khớp Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội, tê bì chân tay tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể là dấu hiệu cảnh báo về những bệnh lý khác. Đồng thời cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt, học tập, làm việc và khiến cho chất lượng cuộc sống của người bệnh bị suy giảm.
Tê bì chân tay là gì?
Tê bì chân tay (numbness of Limbs) thuộc nhóm các bệnh lý thần kinh. Triệu chứng xuất hiện do dây thần kinh bị tổn thương hay chèn ép nên dẫn đến tình trạng người bệnh cảm thấy tê rần ở một số khu vực đặc thù như đầu ngón tay hay ngón chân. Khi người bệnh nghỉ ngơi, thả lỏng, các cơn đau này sẽ thuyên giảm.
Tuy nhiên, bệnh không có khả năng tự hết mà sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ dần chuyển biến nặng, vùng bị tê lan xa ra cổ tay, cánh tay, cẳng chân, thậm chí khiến người bệnh bị mất cảm giác.
Tê bì chân tay thường liên quan đến thần kinh ngoại vi và được phân chia làm 2 loại: tê bì chân tay sinh lý và tê bì chân tay bệnh lý.
Tê bì chân tay sinh lý xảy ra khi cơ thể bị rối loạn cảm giác do cố định ở một tư thế quá lâu, chịu ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường như quá lạnh hay thời tiết thay đổi đột ngột, tác dụng phụ của một số loại thuốc... Tê bì chân tay bệnh lý có thể là triệu chứng hay biến chứng của một số bệnh lý gây chèn ép dây thần kinh, bao gồm: các bệnh rối loạn chuyển hóa, bệnh viêm dây thần kinh, thiếu các vitamin và khoáng chất, các bệnh lý về xương khớp như thoái hóa cột sống, các bệnh nhiễm trùng hay nhiễm các kim loại nặng...
Các bệnh lý thần kinh có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, từ thanh thiếu niên cho đến người trưởng thành, phụ nữ mang thai, người có bệnh chuyển hóa cho đến người già. Trong số đó, đối tượng được xác định có nguy cơ cao nhất là người cao tuổi. Nguyên nhân là người cao tuổi phải gánh chịu những tổn thương của cơ thể do yếu tố lão hóa.
Một nhóm đối tượng khác có hình thức làm việc đặc thù khó tránh khỏi nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ là nhân viên văn phòng, người làm nghề lái xe đường dài, người lao động tay chân nặng... Bên cạnh đó, những người bị chấn thương do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, người dị tật bẩm sinh cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của chứng tê bì chân tay.
Biểu hiện của tê bì chân tay
Theo Phó giáo sư Đặng Hồng Hoa, tê bì chân tay là tình trạng rối loạn cảm giác hay dị cảm một phần hoặc hoàn toàn ở một số vị trí trên cơ thể. Do đó, ngoài cảm giác tê rần, tê bì chân tay thường đi kèm với cảm giác đau nhói bất thường dù không bị kích thích cảm giác, cứng cơ, đau nhức... Cụ thể ở từng vị trí của cơ thể, cảm giác sẽ khác nhau như sau:
- Tê tay: Hiện tượng tê tay do rễ thần kinh bị tác động, chèn ép lên hoặc chèn ép vị trí ngoại vi của dây thần kinh, khi bạn làm việc quá sức hoặc cố định ở một tư thế quá lâu.
- Tê chân: Biểu hiện bằng cảm giác như kim châm, ngứa rần ở phần đùi, chân, từ mông xuống chân, ngón chân, hai lòng bàn chân. Tê có thể ở một chân hoặc cả hai chân.
- Tê đầu ngón tay: Dây thần kinh cảm giác ở các ngón tay có mối quan hệ mật thiết với rễ thần kinh từ tủy sống cổ, nên khi chúng bị tổn thương các đầu ngón tay sẽ bị tê rần.
- Tê mặt: Tương tự như ở các ngón tay, đây cũng là biểu hiện của tình trạng dây thần kinh bị tổn thương. Mặt mất khả năng biểu lộ cảm xúc, cơ bị rũ hoặc yếu đi ở hai bên.
- Tê bả vai: Tùy theo nguyên nhân cụ thể, vùng bả vai của người bệnh sẽ có các biểu hiện như bị tê bì và có thể cứng cơ, đau nhức.
- Tê gót chân: Do áp lực khi di chuyển, mang vác nặng, cố định ở một tư thế quá lâu, gót chân sẽ bị tê, đau nhức và có cảm giác châm chích ở bên trong.
- Tê nhức toàn thân: Không chỉ các vùng đặc trưng, toàn thân cũng có thể bị tê. Điển hình như đau tê nửa đầu, dưới da hay dọc xương sườn đau và rần lên như có kiến bò, chân tay nhức mỏi, đau dọc vai gáy.
Nguyên nhân, biến chứng của bệnh
Phó giáo sư Đặng Hồng Hoa cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tê bì chân tay. 75% trường hợp trong số đó là do các bệnh lý như: thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp, viêm đa khớp dạng thấp, hẹp ống sống, đa xơ cứng, viêm đa rễ thần kinh, xơ vữa động mạch, chấn thương và một số nguyên nhân khác bao gồm làm việc thiếu khoa học, sai tư thế trong sinh hoạt hàng ngày, căng thẳng thường xuyên...
Tê bì chân tay có thể xuất hiện thoáng qua hay nhanh chóng biến mất khi thả lỏng. Chính vì thế, rất nhiều người không xem trọng việc tầm soát và điều trị, dẫn đến những biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe.
Trước tiên, những biến chứng của tê bì chân tay có thể khiến người bệnh thường xuyên bị tê buốt, gây bất tiện trong các hoạt động hàng ngày, mất ngủ, kém ăn, ảnh hưởng đến cuộc sống. Nặng hơn một chút, bệnh có thể ảnh hưởng đến các chức năng vận động, khiến cho người bệnh khó khăn khi đi lại, thao tác. Cuối cùng cũng là biến chứng nghiêm trọng nhất mà ít người nghĩ tới chính là nguy cơ người bệnh tiểu tiện không tự chủ, teo cơ, liệt chi và trở thành người mất khả năng vận động, thậm chí là có thể gây tử vong.
"Nếu triệu chứng tê bì chân tay vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm mà xuất hiện liên tục khoảng trên 6 tuần, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nếu thời gian có biểu hiện bệnh ngắn hơn, cũng không nên lơ là, bỏ qua, mà vẫn cần theo dõi thêm", bác sĩ Đặng Hồng Hoa khuyến cáo.
Phương pháp chẩn đoán và xử lý
Tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, trước khi đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho tình trạng tê bì chân tay, các bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng và kết quả chẩn đoán hình ảnh.
"Theo đó, người bệnh có thể được chỉ định: chụp X-quang; chụp cắt lớp vi tính CT; chụp cộng hưởng từ MRI; điện cơ đo lường sự dẫn truyền thần kinh - cơ... Sau khi đã xác định được tình trạng bệnh lý, người bệnh có thể được chỉ định điều trị nội khoa bằng cách sử dụng các loại thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs), kết hợp với paracetamol, các vitamin nhóm B đường uống hoặc đường tiêm...", Phó giáo sư Hồng Hoa cho biết.
Bên cạnh đó, các bác sĩ còn có thể lựa chọn phương pháp điều trị kết hợp như kiểm soát đường huyết hay mỡ máu với người mắc các bệnh chuyển hóa, bổ sung vitamin cho người có thể trạng gầy yếu, điều trị thoái hóa và điều trị viêm khớp. Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ có thể đưa ra các biện pháp phục hồi để hỗ trợ cho việc điều trị bệnh tê bì chân tay hiệu quả như luyện tập yoga, đi bộ...
Phó giáo sư Đặng Hồng Hoa chia sẻ, không chỉ với tê bì chân tay, mỗi chúng ta cần phải xây dựng cho mình lối sống khoa học để ngăn ngừa cả những bệnh lý cơ xương khớp nguy hiểm khác.
Theo đó, mỗi người nên có chế độ sinh hoạt hợp lý, lành mạnh như tăng cường vận động với các môn thể thao vừa sức như yoga, bơi lội để xương khớp dẻo dai, lưu thông máu ổn định... Dinh dưỡng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể và nhất là tránh nguy cơ tê bì chân tay. Ăn uống cân bằng, chú ý bổ sung thực phẩm lành mạnh, chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho xương khớp và thần kinh, mạch máu như vitamin D, canxi, vitamin K... Tránh thực phẩm giàu chất béo để giữ cân nặng ổn định, tránh ăn mặn để làm giảm quá trình thoái hóa xương khớp.
Trong các hoạt động hàng ngày, mỗi người nên sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Tốt nhất là thường xuyên vận động thả lỏng sau mỗi 1-2 giờ ngồi làm việc, tránh mang vác nặng sai tư thế, nên dùng các dụng cụ bảo hộ phù hợp. Ngoài ra, bạn cùng đừng quên giữ tinh thần thoải mái, tránh xa căng thẳng, áp lực.
Không dùng thực phẩm đóng hộp, chất kích thích để tránh việc nạp vào những hoạt chất gây hại cho xương khớp, thần kinh, mạch máu bằng cách lấy đi những chất dinh dưỡng cần thiết.
Thảo Trang