Bác sĩ Nguyễn Thị Sơn, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết bệnh trĩ hay dân gian còn gọi là lòi dom, là một bệnh khá phổ biến mà tất cả mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người lớn đều có nguy cơ mắc phải. Trĩ được hình thành do dãn nở quá mức các đám rối tĩnh mạch ở mô xung quanh hậu môn, gây viêm sưng hoặc xuất huyết. Nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất làm việc và sinh hoạt hằng ngày.
Bệnh trĩ giai đoạn sớm thường không có biểu hiện khó chịu gì đối với người bệnh. Giai đoạn sau, bệnh nhân có triệu chứng đi tiêu ra máu, đặc biệt là máu đỏ tươi sau phân. Lượng máu theo phân tùy theo mức độ bệnh và ít khi gây ra mất máu ồ ạt.
Sau một thời gian, búi trĩ sẽ to lên, sa ra ngoài. Lúc đầu, hiện tượng này chỉ xảy ra khi đi đại tiện, nhưng về sau sẽ xảy ra liên tục. Giai đoạn trĩ lòi ra, người bệnh có cảm giác đau, vùng hậu môn bị sưng, phù nề, ngứa. Sau vài ngày sẽ bớt đau và sưng, trĩ trở vào trong hậu môn. Một số trường hợp búi trĩ bị lở loét hoặc hoại tử từng vùng, thậm chí tạo ra áp xe vùng hậu môn và vùng chậu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ như yếu tố di truyền, chế độ sinh hoạt không điều độ, thường xuyên phải ngồi một chỗ, ít vận động, đặc biệt là người làm việc văn phòng. Người bệnh chèn ép, gây áp lực lên hậu môn, mắc tiêu chảy kéo dài, xơ gan, táo bón lâu ngày không điều trị dứt điểm cũng là nguyên nhân gây ra bệnh. Cơ thắt hậu môn bị thoái hóa, nhão, đặc biệt là ở người già. Quá trình mang thai, sinh nở là nguyên nhân chính dẫn tới bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh.
Bệnh trĩ có thể kiểm soát bằng việc thay đổi lối sống và thuốc. Cách điều trị:
Theo y học hiện đại
Bác sĩ chủ yếu dùng các thuốc có tác dụng làm bền thành mạch, dẫn xuất từ flavonoid. Cơ chế tác động của các thuốc này là làm gia tăng trương lực tĩnh mạch, bảo vệ vi tuần hoàn, giảm phù nề nhờ tác động kháng viêm tại chỗ, chống nhiễm trùng và chống tắc mạch.
Theo y học cổ truyền
Theo Đông y, nguyên nhân gây ra bệnh là do khí huyết không lưu thông, những thói quen không tốt hoặc do những bệnh lý nội thương. Vì vậy, điều trị bệnh trĩ thường dùng phối hợp các thuốc có tính hoạt huyết, khử ứ, bổ huyết bổ khí. Một số loại thuốc được nghiên cứu có thành phần hoạt chất như các thuốc y học hiện đại giúp bền thành mạch gồm hoè hoa, kim ngân hoa.
Người bệnh cần loại trừ các yếu tố gây bệnh như táo bón, ngồi lâu, điều trị các bệnh lý đi kèm. Tập một số động tác tăng cường cơ vùng hậu môn, thay đổi chế độ ăn phù hợp. Uống thuốc hoặc thoa từ dược liệu góp phần cải thiện tình trạng ứ trệ tĩnh mạch vùng hậu môn.
Bác sĩ Sơn khuyên người bệnh nên đến khám tại các cơ sở uy tín để được chẩn đoán đúng, tìm ra nguyên nhân và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.