Tiến sĩ Lâm Đại Phong, tốt nghiệp Đại học Y Nha Tokyo, Nhật Bản, cho biết theo các thống kê, khoảng 3 trong số 4 người trưởng thành sẽ mắc bệnh về răng nướu trong cuộc đời. Các bệnh về nướu có thể tiến triển thành bệnh viêm nha chu, dẫn đến tiêu xương và làm mất răng.
Sâu răng là loại bệnh răng miệng thường gặp nhất, tăng gần 90% ở tuổi 45 trở lên. Viêm nha chu cũng là bệnh thường gặp. Không chỉ gây mất răng, viêm nha chu còn là yếu tố nguy cơ gây bệnh và làm trầm trọng những bệnh lý nguy hiểm khác như nhiễm trùng huyết, đái tháo đường, đột quỵ và phụ nữ mang thai dễ sinh non, sinh trẻ thiếu cân.
Hầu hết bệnh về răng nướu do các mảng bám từ vi khuẩn. Một số vi khuẩn trong mảng bám sinh ra các chất có thể gây kích ứng và nhiễm độc mô nướu, dẫn đến viêm cục bộ trong mô nướu. Các bệnh này tiến triển nhanh và thường bệnh nhân không nhận ra các triệu chứng cho đến khi răng bị lung lay và có nguy cơ nhổ bỏ.
Theo bác sĩ Phong các dấu hiệu bệnh về răng nướu thường khó nhận thấy nếu chỉ quan sát trực tiếp khoang miệng. Cần lưu ý khi hơi thở có mùi hôi hoặc có vị khó chịu trong miệng, răng dường như lơi ra hoặc lệch khỏi vị trí ban đầu, mô nướu có màu đỏ, sưng, dễ chảy máu, có mủ giữa răng và nướu. Mô nướu khỏe mạnh sẽ có màu hồng, biểu hiện với vẻ lấm tấm da cam, nướu khỏe mạnh bọc sát quanh răng và không chảy máu.
Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm nướu là do vệ sinh răng miệng không cẩn thận. Mảng bám cần được loại bỏ thường xuyên, nếu không có thể cứng lại và tạo thành vôi răng. Khi đó cần sự can thiệp trực tiếp của các nha sĩ để loại bỏ.
Cần vệ sinh răng miệng tốt, thường xuyên đến gặp nha sĩ để làm sạch răng và loại bỏ mảng bám. Tuy nhiên viêm nướu và mảng bám có thể phát triển trở lại ngay cả khi đánh răng và cạo vôi răng đều đặn. Hiệu quả các biện pháp làm sạch răng chuyên nghiệp chỉ kéo dài từ một đến ba tuần, trước khi mảng bám và viêm nướu bắt đầu phát triển trở lại.
Vi khuẩn trong khoang miệng cũng phức tạp tương tự như vi khuẩn đường ruột, bao gồm hàng trăm loại khác nhau trên răng, nướu và trong nước bọt. Vệ sinh răng miệng không đúng, chế độ ăn uống không thích hợp, căng thẳng... có thể gây rối loạn sự cân bằng hệ sinh thái vi khuẩn, dẫn đến sâu răng, viêm nướu và viêm nha chu.
Bác sĩ Phong khuyến cáo, để loại trừ vi khuẩn gây bệnh, cần giữ vệ sinh răng miệng, kiểm tra răng miệng định kỳ mỗi 3-6 tháng, làm sạch mảng bám và vôi răng, ngủ đủ giấc, không hút thuốc lá, bổ sung các men vi sinh chứa lợi khuẩn, gặp bác sĩ khi có các bất thường...
"Như vậy mới có thể đạt được mục tiêu 80-20, tức khi 80 tuổi ít nhất còn 20 răng trên cung hàm", bác sĩ Phong nói.