Theo bác sĩ Hà Thanh Yến Trang, Bệnh viện Trưng Vương TP HCM, bệnh suy tim tập hợp nhiều triệu chứng, bởi bình thường khi một người hoạt động gắng sức thì tim sẽ tăng tần số và tăng sức co bóp để đưa nhiều oxy đến các mô trong cơ thể. Khi bị suy, tim sẽ không còn khả năng cung cấp oxy theo nhu cầu của cơ thể nữa.
Một số bệnh lý khác gây ra suy tim như bệnh mạch vành (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim), tăng huyết áp, hở van tim, tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim mãn tính, bệnh mạch máu phổi, tâm phế, cường giáp, rối loạn dinh dưỡng, thiếu máu mạn...
Bệnh nhân suy tim có những triệu chứng thường gặp như khó thở khi gắng sức, khi nằm hoặc khó thở kịch phát về đêm, phù chân, mệt mỏi, suy kiệt, giảm hoặc mất khả năng gắng sức. Họ cũng có thể bị ho, tiểu đêm, hồi hộp, tím tái, mau đầy bụng khi ăn, đau bụng. Ngoài ra còn có dấu hiệu rối loạn định hướng, lú lẫn, mất tập trung, rối loạn giấc ngủ và trầm cảm.
Theo bác sĩ Trang, tình trạng suy tim có thể nặng hơn khi bệnh nhân ăn mặn, uống nhiều rượu bia, không tuân thủ điều trị. Các bệnh lý nguy cơ làm tăng suy tim còn có thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, nhiễm trùng, thai kỳ... Khi ấy bệnh nhân có biểu hiện suy tim cấp tính và thậm chí tử vong nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Chế độ ăn uống cho bệnh nhân suy tim
- Giảm ăn mặn, lượng muối ăn mỗi ngày tương đương 1,5 muỗng cà phê.
- Tăng cường rau xanh, củ và trái cây.
- Giảm uống nước, tùy vào mức độ suy tim và chức năng thận:
Suy tim nhẹ thì không tiết chế nước nhưng không uống vượt quá mức nhu cầu.
Suy tim nặng, lượng nước cơ thể cần trong ngày 1,5 lít.
Nên kiểm soát lượng nước uống bằng cách đong sẵn nước vào chai có định lượng. Theo dõi tình trạng ứ dịch dựa vào cân nặng, phù nề, báng bụng, khó thở.
Để giảm mặn, không nên ăn các thực phẩm muối như dưa, cà, hột vịt, cá, các loại mắm... Không chấm thêm gia vị. Hạn chế dùng thực phẩm giàu natri như hải sản, gan, trứng... Không dùng thực phẩm đóng hộp. Giảm lượng xốt hay gói gia vị trong thức ăn nhanh như mì gói, miến...
Mẹo giảm ăn mặn
- Ăn bữa nhỏ.
- Hạn chế nước trong bữa ăn.
- Tránh thực phẩm sinh hơi.
- Không nằm sau ăn.
- Ăn cách xa thời gian đi ngủ.
- Băm nhỏ, nấu nhừ.
- Giảm chất béo.
- Dùng thêm men tiêu hóa hỗ trợ (theo chỉ định của bác sĩ).
Điều chỉnh lối sống
- Hạn chế rượu bia, các chất kích thích khác.
- Không hút thuốc lá.
- Luyện tập thể dục vừa sức, tham gia lớp thể dục chuyên biệt dành cho bệnh nhân suy tim.
- Tập hít thở mỗi ngày sẽ giúp cải thiện hoạt động hô hấp, tuần hoàn.
- Chọn thời điểm tập luyện thích hợp: Ít nhất sau một giờ ăn, không tập khi bụng đói.
- Tránh tập luyện trong thời tiết không thuận lợi.
- Không tập khi có cảm giác sức khỏe không tốt.
- Khởi động và thư giãn sau tập bằng các bài kéo giãn hay đi bộ chậm.
Bác sĩ Trang khuyến cáo, khi tập thể dục nếu xuất hiện những triệu chứng bất thường như đau ngực, cảm giác thắt nghẹt, khó thở nhiều, vã mồ hôi, chóng mặt, xây xẩm, đánh trống ngực hay tim đập chậm, mệt, đau (vai, cánh tay, bàn tay, cổ, hàm), cần ngưng tập ngay. Nếu triệu chứng nặng, nên đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám kịp thời.