Tháng rồi tôi về quê ăn đám cưới, ông anh họ hỏi tôi có nên cho thằng út học đại học hay không?
Ông anh họ của tôi bây giờ là nhà giàu mới nổi vì trúng mấy mùa sầu riêng liên tiếp. Cách đây chục năm, khi ấy ông anh còn trồng cam và bưởi, thu nhập đủ chi tiêu gia đình, lúc ấy đứa con lớn vào đại học. Vậy mà khi đó, ông anh nhất quyết vay tiền, nhịn mặc nhịn mặc để nuôi con đi học.
Ngày đó, anh vẫn khăng khăng: Học vấn là con đường để vươn lên, thoát nghèo". Vậy mà bây giờ, anh có ý không muốn cho con vào đại học mà muốn giữ con ở nhà để phụ chăm sóc vườn sâu riêng.
Anh bảo: "Học hành chi cho tốn tiền rồi ra trường không kiếm được việc, xóm này có mấy đứa". Kể ra con người ta cũng thật lạ, sao lại thay đổi nhanh vậy?
Tôi hỏi thăm, thì biết đứa cháu học cũng khá. Tuy không thể vào đại học top đầu, nhưng top giữa là điều có thể. Rồi không biết từ đâu, anh lại nói: "Ông Ghét ghét gì đó có học đại học đâu, mà cũng thành tỷ phú" hay "ăn thua là do mình làm thôi".
Cả chục năm nay, từ ngày mạng Internet phổ cập, tôi nghe nhiều người cứ nói Bill Gates, Mark Zuckerberg bỏ học đại học (hay có học đại học đâu) mà vẫn làm tỷ phú.
Thông tin trên mạng này nói đúng, nhưng chỉ một nửa sự thật. Thực tế, Bill Gates là con nhà nòi:
Cụ cố nội ông là người sáng lập Ngân hàng Quốc gia thành phố Seattle. Mẹ Mary Gates là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia điều hành United Way, quản trị viên một trường đại học, giám đốc Ngân hàng West Coast.
Bố William H. Gates là một nhân vật được kính trọng và luật sư thành đạt, giữ chức chủ tịch công ty luật Preston Gates & Ellis (nay là K&L Gates)- một trong những công ty luật nổi tiếng nhất ở Tây Bắc Thái Bình Dương.
Về bản thân, năm 10 tuổi, cậu bé Bill Gates đã đọc nhuần nhuyễn cuốn bách khoa toàn thư. Ở độ tuổi 11, Gates thuộc lòng nhiều chương của cuốn kinh thánh Gospel và tự mình lập trình trò chơi trên máy tính.
Kết quả cổ tích "bỏ học thành tỷ phú" ra đời khiến nhiều người hoài nghi giáo dục đại học chính quy. Họ quên rằng, Bill Gates cũng từng chia sẻ: Nếu khởi nghiệp thất bại, tôi vẫn có thể quay về trường học.
Và đặc biệt, ngôi trường mà ông ấy bỏ học là Havard.
Quay trở lại câu chuyện trên, tôi hỏi ông anh: Vậy tại sao anh hơn nửa đời người rồi mới có thành công chút đỉnh? Anh có muốn con mình giống như mình, mất quãng thời gian dài mò mẫm, thất bại không?
Bây giờ, khi kinh tế ổn định, sao anh không cho con vào đại học, để trải nghiệm môi trường, quen nhiều bạn bè. Ít ra, vài năm tới lỡ vườn rầu riêng mất mùa, thì con anh còn có tấm bằng, kinh nghiệm để đi xin việc.
Nói đến đây, ông anh họ trở sang đồng ý với tôi.
Theo tôi, đại học là một trải nghiệm tuyệt vời, không phải ai cũng có cơ hội. Nó chỉ vô dụng khi sinh viên cúp học, trốn tiết, học hành không đàng hoàng mà thôi. Và vốn quý giá nhất là quen nhiều bạn bè, những người có thể giúp đỡ mình sau này.