Theo Thevalue, bức Trung thu thiếp tử từ nhận quan tâm lớn của giới sưu tầm khi xuất hiện trên thị trường. Tác phẩm sẽ được gõ búa tại Hong Kong vào ngày 27/4, trong sự kiện do Sotheby's tổ chức. Tranh được định giá 70 triệu HKD (8,9 triệu USD) tới 90 triệu HKD (11,4 triệu USD).
Trung thu thiếp tử từ dài 6,4 mét, do quân thần triều Thanh, Trung Quốc, thực hiện vào năm 1746. Tác phẩm gồm ba phần, mở đầu là bốn chữ do Càn Long (1711-1799) ngự bút: Quảng hàn Thanh chiếu - nêu bật chủ đề Trung thu ("quảng hàn" nghĩa là "mặt trăng"). Tiếp đó, nhà vua viết về cảnh đẹp kinh thành, không khí tươi vui, các hoạt động ca múa rộn ràng trước Trung thu. Càn Long nổi tiếng là hoàng đế yêu nghệ thuật. Ông để lại hơn 40.000 bài thơ cùng nhiều tác phẩm tranh, thư pháp.
Phần thứ hai là tranh sơn thủy của quan thượng thư, họa sĩ Đổng Bang Đạt (1696-1769). Các nhân vật trong tranh, người ngẩng đầu ngắm trăng, người ngồi quanh bàn ngắm cảnh. Giới chuyên môn đánh giá bố cục tác phẩm chỉnh chu, toát vẻ thanh tao, nội dung phù hợp chủ đề mà Càn Long đưa ra.
Trong Tử Cấm Thành triều Thanh, ngoài họa sĩ cung đình chuyên nghiệp còn có các quan văn kiêm họa sĩ. Họ được phong quan nhờ khoa cử, nhờ tài năng hội họa, trở thành họa sĩ thân cận với hoàng đế. Đổng Bang Đạt là một trong số đó.
Phần thứ ba của tác phẩm là thơ của quan lại khác trong triều, gồm Lương Thi Chính, Uông Do Đôn, Giới Phúc, Đức Bảo... Tổng cộng chín người hợp tác thực hiện tác phẩm. Quan lại sáng tác thơ về điển tích, phong cảnh liên quan Trung thu, qua đó nêu cuộc sống êm ấm, ca tụng hoàng đế.
Lý do Trung thu thiếp tử từ được đưa khỏi Tử Cấm Thành và đổi chủ là câu hỏi nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Theo Thevalue, tác phẩm từng được lưu giữ trong cung Kiến Phúc của Tử Cấm Thành. Năm 1923, vì lo ngại trộm cắp, hoàng đế Phổ Nghi sai rà soát lại bảo vật trong cung. Nhưng khi công việc mới bắt đầu, cung Kiến Phúc bị cháy nghiêm trọng. Vì vậy, giới chuyên môn cho rằng tác phẩm bị đổi chủ từ trước khi hỏa hoạn xảy ra.
Nhiều nhà nghiên cứu nhận định Trung thu thiếp tử từ được đưa ra khỏi cung có thể do thời vua Phổ Nghi, việc quản lý hậu cung lỏng lẻo, lộn xộn, thái giám liên tục trộm bảo vật bán cho người bên ngoài. Khả năng khác, tác phẩm từng được vua Gia Khánh tặng cho các thân vương, đại thần. Ngoài ra, không loại trừ khả năng Trung thu thiếp tử từ lưu tán hải ngoại sau khi Bắc Kinh bị liên quân tám nước chiếm đóng năm 1900. Tác phẩm từng được Sotheby's Hong Kong đấu giá năm 2008, bấy giờ đạt mức gần 385 triệu HKD (4,9 triệu USD).
Nghinh Xuân