Theo Thevalue, ấn bằng bạch ngọc, là một trong cổ vật Trung Quốc được chú ý nhiều nhất khi xuất hiện trên thị trường năm ngoái. Càn Long (1711-1799) sai người làm ấn để đặt tại địa điểm thờ phụng tổ tiên ở Viên Minh Viên - tổ hợp cung điện, vườn cảnh ở Bắc Kinh. Năm 1860, liên quân Anh - Pháp phóng hỏa Viên Minh Viên ba ngày ba đêm, chiếc ấn nằm trong số cổ vật bị ảnh hưởng.
Tác phẩm được chạm khắc năm 1766, có hình hai con rồng. Ấn khắc chữ "Kỷ ân đường", thể hiện lòng biết ơn, yêu kính của Càn Long với tổ tiên. Ngoài ra, ấn hiếm, độc đáo vì còn khắc bài thơ của nhà vua. Trong tác phẩm, Càn Long nhớ về lần đầu gặp ông nội Khang Hy (1654-1722) ở Viên Minh Viên, về lời dặn dò của ông nội. Lúc đó, Càn Long 11 tuổi.
Phần sau bài thơ nói về cảm nghĩ của nhà vua khi trị vì giang sơn. Hoàng đế ý thức việc không phải mọi người đều thích ông, triều đình có người phê phán ông. Càn Long phản hồi lại sự phê phán: "Ta chăm chỉ giải quyết chính sự từ sáng tới tối, nghe theo căn dặn của tổ tiên. Các ngươi cần nhớ điều này trước khi phê phán ta".
Theo Quách Phú Tường, nhà nghiên cứu làm việc ở Bảo tàng Cố Cung, chiếc ấn có ý nghĩa quan trọng với Càn Long, thể hiện tình thân của đế vương, lòng biết ơn được ông nội sủng ái. Sau lần gặp ở vườn mẫu đơn trong Viên Minh Viên, Khang Hy yêu quý cháu trai, lệnh cho Càn Long về ở cạnh. Hai ông cháu sống gần nhau vài tháng, cho tới khi Khang Hy qua đời.
Tác phẩm vốn nằm trong bộ sưu tập của người Pháp, sau đó được một nhà sưu tập Mỹ mua lại. Ở phiên đấu giá năm 2004 tại Hong Kong của Sotheby's, chiếc ấn được gõ búa ở mức 14 triệu HKD (1,78 triệu USD).
Càn Long nổi tiếng mê ấn chương. Ông sưu tầm tranh, thư pháp và đóng nhiều con dấu của mình lên các tác phẩm đó. Nhà vua sai chế tác khoảng 1.800 ấn chương - nhiều nhất trong số hoàng đế trong lịch sử Trung Quốc. Ấn được làm từ đồng, đá, thủy tinh, mã não, ngà voi, bạch ngọc.
Nghinh Xuân (theo Thevalue)